Giá điện và khí đốt tăng thêm 80% sau ngày 1-10 khiến mỗi hộ gia đình ở Anh trung bình sẽ trả hơn 3.500 bảng/năm cho chi phí năng lượng. Hơn thế nữa, theo dự đoán xấu nhất, giá năng lượng sẽ tăng thêm 50% vào tháng 1-2023 và có thể đạt đến 8.000 bảng/năm vào cuối năm 2023.
29 công ty năng lượng phá sản
"Kinh hoàng, tàn khốc và bất khả thi" - là nhận xét của các tổ chức từ thiện, chính trị gia và các chuyên gia trong ngành trước việc tăng giá năng lượng phi mã ở Anh. Họ đã và đang cảnh báo về tác động cực lớn của việc này đối với hàng chục triệu người trên khắp đất nước.
Một số công ty đang từ chối cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc yêu cầu phải trả tiền trước vì lo ngại các doanh nghiệp này sẽ không có khả năng thanh toán trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng cũng đang diễn ra gay gắt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn - vốn gặp khó khăn trong việc thuê nhân công do các quy định về nhập cư hậu Brexit. Các chủ quán rượu đã đưa ra cảnh báo về khả năng đóng cửa. Ngay cả cửa hàng cá và khoai tây chiên truyền thống của Anh (fish and chips) cũng đang bị đe dọa, một số nơi đã phải đóng cửa trong những tháng gần đây do giá dầu ăn tăng vọt. Khả năng đóng cửa và ngừng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ góp phần làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái dự kiến.
Các đảng đối lập với Đảng Bảo thủ cầm quyền, bao gồm Đảng Lao động và Đảng Dân chủ Tự do, đã kêu gọi đóng băng giá năng lượng. Giải pháp này có vẻ khả thi nhưng sẽ khiến chính phủ tiêu tốn hơn 100 tỉ bảng Anh trong vòng 2 năm tới - nhiều hơn số tiền đã trợ cấp cho người lao động trong suốt đại dịch Covid-19.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này như là một minh chứng cho tình trạng dễ bị tổn thương và thiếu an ninh năng lượng của Vương quốc Anh. Quá trình tư nhân hóa trong những năm 1980 - 1990 đã dẫn đến thị trường năng lượng bị phân mảnh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường ngắn hạn và nguồn dầu khí nhập khẩu. Giá năng lượng cao ngất ngưỡng đã khiến 29 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ mùa hè năm ngoái.
Việc loại bỏ kế hoạch xây dựng nhà ở không carbon; giảm các ưu đãi, trợ cấp cho năng lượng mặt trời và gió trên đất liền, cùng với hơn một thập kỷ không quan tâm về việc cách nhiệt cho các ngôi nhà cũ kỷ đã khiến Vương quốc Anh lãng phí năng lượng gia đình nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Tây Âu.
Cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ, thậm chí còn hơn cả đại dịch Covid-19. Chính phủ hiện thời của Anh vẫn chưa có giải pháp rõ ràng nào để khống chế tình trạng này. Câu trả lời chính thức có lẽ sẽ được làm sáng tỏ sau ngày 5-9, khi tân Thủ tướng Anh được bổ nhiệm.
Một cửa tiệm trên phố Seltenweg ở Giessen - Đức tắt đèn trang trí và biển hiệu để tiết kiệm điện Ảnh: Trần Thủy
Tiết kiệm tối đa nhiên liệu
Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu ngày càng khó khăn khi vào mùa thu và đối mặt với mùa đông khắc nghiệt, Chính phủ liên bang Đức đã ban hành nhiều quy định tiết kiệm năng lượng, bắt đầu từ ngày 1-9-2022 đến 28-2-2023.
Cụ thể, nhiệt độ làm việc tại các văn phòng và các tòa nhà công cộng sẽ được điều chỉnh xuống 19 độ, trừ bệnh viện và một số cơ sở xã hội. Bể bơi tư nhân trong và ngoài trời không được làm ấm bằng gas và điện, trừ bể bơi cho khách sạn và trị liệu cho sức khỏe. Các thiết bị chiếu sáng, quảng cáo ngoài trời sẽ bị tắt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau, trừ đèn cho nút giao thông, hầm giao thông và đèn chờ bến đỗ xe buýt. Tại nhiều trung tâm thương mại, thang cuốn đã được tắt, những gian hàng không cần thiết đã bớt ánh đèn...
Người dân Đức cũng tính toán để chuẩn bị cho gia đình những gì cần thiết nếu rơi vào trường hợp khó khăn. Gỗ nguyên liệu dùng để sưởi hiện được tiêu thụ rất nhanh, nhiều nơi phải đặt hàng vài tuần mới có. Các thiết bị sưởi điện cũng được mua với số lượng lớn dù giá đắt hơn nhiều so với sưởi bằng dầu nhưng người dân Đức vẫn chuẩn bị, phòng khi hệ thống sưởi dầu ngưng hoạt động.
Tháng trước, Bộ Kinh tế Liên bang Đức cũng phát động một chiến dịch kêu gọi mọi người hạn chế bật đèn, tắm hơi, rút ngắn thời gian tắm, tăng nhiệt độ tủ lạnh lên thêm 1 độ... Một số thành phố đã lên kế hoạch mở những khu sưởi ấm dành riêng cho người vô gia cư và người không có khả năng chi trả, để họ thoát qua được mùa đông lạnh lẽo.
Tự giác hợp tác thực hiện đầy đủ những quy định của chính phủ; cố gắng hạn chế và tiết kiệm tối đa nhiên liệu cho sinh hoạt, sản xuất có lẽ là hướng đi tốt nhất mà mỗi người dân Đức nói chung và người gốc Việt sinh sống tại đây nói riêng đều nghĩ tới trong lúc này…
Một số hộ dân dùng củi đun nấu trở lại
Bộ Tài chính Liên bang Đức đề xuất giảm thuế thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân trong bối cảnh lạm phát tăng. Tiền phụ cấp cho trẻ em cũng sẽ được tăng thêm chút ít. Thủ tướng Olaf Scholz cam kết sẽ làm mọi cách để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn khi gói hỗ trợ 31 tỉ euro đã được thông qua.
Đức là quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga nhiều nhất ở châu Âu. Từ khi Nga cắt giảm cung cấp năng lượng, giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo giá tiêu dùng các mặt hàng đều tăng chóng mặt. Lạm phát tháng 8 của Đức đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức cao nhất trong 50 năm qua. Dự báo trong thời gian tới, lạm phát còn tăng nữa khi các gói hỗ trợ về giá nhiên liệu và giá vé rẻ đã hết.
Ở Anh, chính phủ đã chi khoảng 33 tỉ bảng trong năm 2022 để hỗ trợ các hộ gia đình thanh toán chi phí năng lượng. Để đối phó với mùa đông sắp tới, chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 400 bảng/hộ, riêng các hộ nghèo khó sẽ được nhận thêm 1.200 bảng nữa. Tuy nhiên, một số người vẫn sẽ phải giảm chi phí sưởi ấm cho nhà mình. Một số hộ dân đã sử dụng lại củi để sưởi ấm và nấu ăn - điều tưởng chừng đã không tồn tại, bất chấp lo ngại ô nhiễm không khí và gây hại sức khỏe.