"Nếu không biết trước, bạn sẽ không thể nhận ra Rozy là một người tạo ảnh hưởng (tạm dịch từ "influencer") ảo. Đây là hình mẫu hoàn hảo cho thời đại không tiếp xúc như hiện nay" - Sidus Studio X giới thiệu như vậy vào thời điểm Rozy "khởi nghiệp".
Công ty dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista (Đức) ước tính thị trường toàn cầu của lĩnh vực tương tác thực tế ảo (AR) và thực tế ảo (VR) đạt được 30,7 tỉ USD vào năm ngoái và sẽ tăng từng năm trước khi đạt mốc gần 300 tỉ USD vào năm 2024.
Với khuôn mặt được tổng hợp bằng công nghệ 3D theo chuẩn đẹp mà giới trẻ ưa chuộng, nàng mẫu ảo này đóng hàng loạt quảng cáo từ nền tảng mua sắm trực tuyến đến thương hiệu mì ăn liền, đồng thời xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình. Tháng 2 năm nay, cô nàng còn lấn sân sang làm ca sĩ.
Thừa thắng xông lên, Sidus Studio X trình làng thêm 3 người mẫu ảo là Ho, Heil và Gon vào cuối tháng trước và cả 3 chào sân bằng chiến dịch quảng cáo cho mẫu xe mới của hãng Volvo, theo báo Korea Times.
Một số người tạo ảnh hưởng ảo ở Hàn Quốc (từ trái qua): Rozy, Reah Keem, Lucy, Han YuA. Ảnh: KOREA TIMES
Sidus Studio X là một trong nhiều công ty Hàn Quốc nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới ảo, hay còn gọi là "vũ trụ ảo", đặc biệt là kể từ đại dịch Covid-19 hoành hành khiến tiếp xúc kỹ thuật số lấn lướt tiếp xúc trực tiếp giữa con người.
Những người ảo như Rozy có mặt ngày càng nhiều trong hầu khắp ngành công nghiệp, từ giải trí đến bán lẻ. Đa tài không kém, Han YuA - người ảo của Công ty Game Smilegate - vừa ký hợp đồng với YG KPlus để gia nhập làng giải trí.
Trong khi đó, "nhân tài" trí tuệ nhân tạo (AI) Reah Keem của tập đoàn LG Electronics bắt tay với Công ty Âm nhạc Mystic Story đầu năm nay để thúc đẩy sự nghiệp ca hát.
Người ảo Reah Keem (trái) của LG Electronics Ảnh: LG Electronics
Bà Lee Eun-hee, chuyên gia về khoa học tiêu dùng tại Trường ĐH Inha University, lưu ý rằng người ảo đắt hàng là do các công ty đã đem lại cho họ vẻ ngoài đúng "gu" của người tiêu dùng.
"Các công ty đã nghiên cứu và phân tích nhiều khuôn mặt, đặc điểm ngoại hình cho phù hợp thị hiếu khách hàng, từ đó nhận được phản hồi tích cực. Hơn nữa, người ảo không tiềm ẩn nguy cơ dính xì-căng-đan như người nổi tiếng thật sự…" - chuyên gia Lee nhận định.
Dù vậy, nhiều người cho rằng người ảo được chú ý nhiều lúc này phần lớn do tâm lý tò mò, còn về lâu dài sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người dù có nhiều ưu điểm.
Cũng theo bà Lee Eun-hee, các công ty cần cẩn trọng với trào lưu này. "Một khi số lượng người ảo tăng lên quá nhiều, người tiêu dùng sẽ thấy nhàm chán, khiến cho hoạt động quảng cáo bị ảnh hưởng" - bà nói.
Không chỉ "đầu quân" cho ngành quảng cáo, người ảo còn tạo dựng chỗ đứng trong các ngành công nghiệp và lĩnh vực công ở Hàn Quốc. Hai ngân hàng Shinhan và NongHyup đã "tuyển" nhân viên AI hỗ trợ dịch vụ cho khách hàng trong khi ngân hàng KB Kookmin đang phát triển người ảo để mở rộng chiến lược truyền thông. Chính quyền Vùng đô thị Seoul cũng đã lên kế hoạch sử dụng nhân viên AI.
Nhân viên AI của Shinhan Bank. Ảnh: Shinhan Bank