Hiện nay, người đã mua BĐS (vay ngân hàng) lo lắng vì lãi suất tăng cao, còn người chưa mua thì nghe ngóng, chờ đợi, chưa vội "xuống tiền". Đó là lý do khiến thị trường BĐS rơi vào trạng thái im ắng, nếu không nói là "bất động" ở giai đoạn này.
Mới đây, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng được coi là tin vui để các ngân hàng có thêm nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trên tinh thần không siết chặt một cách bất hợp lý. Tuy nhiên, Lãnh đạo ngân hàng cho biết room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Chính sách "nới room" tín dụng gần như chưa tác động đến thanh khoản của thị trường ngay lập tức. Tuy vậy, đây cũng là một tín hiệu lạc quan cho thị trường từ nay đến cuối năm.
Đã hơn 2 tháng nay, chị Kh, một nhà đầu tư đất nền rao bán mảnh đất 1 ha tại Đồng Nai và miếng đất gần 100m2 tại Q.9 (cũ) nhưng vẫn chưa bán được. Theo nhà đầu tư này, do cần tiền để cân đối khoản đầu tư khác nên bán bớt tài sản nhưng thị trường lặng sóng nên việc bán ra khá khó khăn. Nếu trước đây, chị Kh chỉ cần rao bán trong 1-2 tuần là có giao dịch nhưng hiện tại, đã rao khá lâu nhưng chưa có người hỏi mua.
Một trường hợp khác là anh D (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) chấp nhận rao bán dưới giá kì vọng mảnh đất 70m2 tại Q.9 (cũ) để thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, dù đã gửi môi giới 3 tuần này, anh D vẫn chưa nhận được hồi âm. Theo anh D, đầu năm 2022, có NĐT hỏi mua mảnh đất của anh với mức giá chênh 400 triệu đồng so với giá anh mua vào. Nhưng lúc đó anh chưa cần nguồn vốn nên không bán. Hiện cần tiền giải quyết việc kinh doanh nên anh muốn bán nhanh, rao dưới giá kì vọng là 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa bán được.
Theo những người trong cuộc, hiện nay khi thị trường BĐS rơi vào trạng thái im ắng, dù các nhà đầu tư đều đã chấp nhận giảm giá lỗ vốn nhưng thanh khoản vẫn rất chậm. Lí do là vì người không đủ tiền mặt có sẵn thì ngần ngại chưa dám mua vì sợ không vay ngân hàng được, người có sẵn tiền mặt thì vẫn đang chờ với hi vọng giá giảm thấp hơn nữa, chưa kể cả 2 nhóm người đều đang theo dõi sát động thái từ chủ đầu tư, họ muốn xem tình hình siết chặt tín dụng có làm ảnh hưởng đến nguồn vốn của chủ đầu tư và khả năng về đích của dự án không.
Có thể thấy, chính sách thắt tín dụng với BĐS đã khiến thị trường lặng sóng giao dịch. Người dân e ngại khó vay vốn ngân hàng khiến thanh khoản trên thị trường gần như tê liệt. Thông tin nới room tín dụng mới đây, phần nào xoa dịu đi tâm lý "căng thẳng" của thị trường BĐS.
Cùng với đó, mới đây chiều 12/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Liên quan đến chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá thời gian qua, Thủ tướng cho rằng đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không?
"Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả. Trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt. Những gì được thực hiện hiệu quả, được thực tế chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc nhưng linh hoạt trong các vấn đề cụ thể", Thủ tướng chỉ đạo.