Được biết, người rao bán sim số đẹp trên là ông Mạnh Tài, còn người mua là ông Thái Minh Phương – một đại gia chuyên kinh doanh sim số đẹp. Để hoàn thành thương vụ này, ông Phương đã nhiều lần ngỏ ý để mua sim trên. Sau đó, ông Tài và ông Phương đã có 3 ngày thương thảo liên tục. Giao dịch sang tên thành công tại cửa hàng MobiFone Q.1 (TPHCM).
Ngày 13/8, PV báo Tiền Phong trao đổi với ông Lê Duy Minh, Cục phó Cục thuế TPHCM về việc người bán sim tiền tỷ trên có phải nộp thuế thu nhập cá nhân, ông Minh cho biết, về nguyên tắc chung, đối với cá nhân chuyển nhượng sim cho nhau, trong 10 loại thuế quy định chịu thuế thu nhập cá nhân thì chưa có quy định các khoản thu nhập này. “Còn nếu trường hợp người bán là người kinh doanh sim số thì mới có cơ sở để thu thuế”- ông Minh nói.
Ông Lê Duy Minh, Cục phó Cục thuế TPHCM
Theo ông Minh, với trường hợp trên cần xác định sim chuyển nhượng trên là thuộc về cá nhân hay sở hữu của công ty. Bởi có trường hợp người chủ đó đứng tên đăng ký sim, nhưng công ty mới chính là đơn vị chi trả tiền cước mỗi tháng cho sim này. Ví dụ họ kê khai đây là thuê bao của công ty đứng ra ký hợp đồng với nhà mạng thì tất cả những chi phí người này gọi điện thoại thì đều do công ty trả. Như vậy, sim đó thuộc sở hữu công ty chứ không phải cá nhân người đứng tên nữa.
Do đó, nếu sim này do công ty chi trả cước hàng tháng thì khi chuyển nhượng cho người khác, công ty phải kê khai theo đúng luật thuế doanh nghiệp và phải chịu đóng thuế thu nhập khi chuyển nhượng cho người khác.
“Khi các cá nhân chuyển nhượng sim, họ bắt buộc phải làm thủ tục chuyển sở hữu tại nhà mạng. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay số 0909999999 tại đầu MobiFone để rà soát thông tin, rà soát mã số thuế công ty là sẽ biết được sim này thuộc về công ty hay cá nhân” – ông Minh cho biết.
Vị Cục phó Cục thuế TPHCM thông tin thêm, đã từng có việc tổ chức như MobiFone đứng ra bán sim làm từ thiện, thì tất cả các khoản đó đều đưa vào thu nhập doanh nghiệp và phải chịu thuế.
Vụ chuyển nhượng siêu sim 23 tỷ đồng gây xôn xao dư luận
Mua sim hàng chục tỷ, chủ nhân siêu sim cho biết sẽ dùng số này làm hotline cho thương hiệu riêng của mình. Anh Thành, một chủ kinh doanh sim đánh giá, mức giá 23 tỷ cho một sim số đẹp không thể xác định được giá này là rẻ hay đắt. Bởi nếu người mua chỉ có nhu cầu nghe gọi thì người bán sẽ đưa ra với mức giá bình thường; nhưng nếu khách quyết tâm mua cho bằng được vì nhu cầu khác như đam mê, thú sưu tầm hoặc vì một lý do gì khác mà người bán có thể đẩy giá sim lên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần.
Tuy nhiên, anh Thành cho rằng, nếu bỏ ra 1 triệu đô để sở hữu 1 số sim đẹp là hotline thì hơi phí. Lý do là với một siêu sim số đẹp như vậy, người sử dụng thường với mục đích dùng làm số cá nhân, giúp nâng cao vị thế, từ đó có khả năng giúp họ kiếm tiền nhiều hơn. Chứ còn dùng số này để tư vấn bán hàng, hay số này dùng với mục đích chăm sóc khách hàng thì phí quá.
Tại điều 2 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC ban hành ngày 14/3/2016 của Bộ Tài chính về việc hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không bao gồm chuyển nhượng sim là tài sản cá nhân. Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhận thừa kế; Thu nhập từ nhận quà tặng.