Dự án eSIM “phá” thời hạn Apple dự báo
Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Trung tâm Chất lượng mạng lưới & Đổi mới công nghệ/VTNet, eSIM là xu thế mới trên thế giới. Với eSIM, nhà mạng quyết định trao quyền cho khách hàng. Khách hàng sẽ có sẵn thông tin đăng ký thuê bao của các nhà mạng khác nhau, có quyền chuyển đổi thuê bao từ nhà mạng này sang nhà mạng kia mà chỉ cần quét QR Code, số hóa toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, con đường đến với eSIM của Viettel không dễ dàng, đặc biệt là việc triển khai eSIM trên Apple Watch (mặc dù Viettel đã ra mắt eSIM cho iPhone từ 01/2/2019 và nằm trong danh sách Top 50 nhà mạng được Apple chứng nhận cung cấp dịch vụ eSIM trên trang web).
Trên thực tế, khó khăn của eSIM với Viettel là câu chuyện thời điểm. Để chạy đua cho việc ra mắt eSIM đầu tiên trên Apple Watch tại Việt Nam vào ngày 13/12, Viettel phải test trước với Apple hàng tháng trời. Để Viettel được Apple công nhận là có hỗ trợ eSIM thì nhà mạng này phải test trước hàng trăm case và phải hoàn thành việc thử nghiệm giữa tháng 10/2019. “Đây là lý do đội dự án từ nhiều đơn vị trong Viettel phải làm ngày làm đêm, phối hợp cùng lúc với nhiều đối tác ở Mỹ, Israel, Pháp, Hàn Quốc và Singapore. Nếu mình thất bại thì sẽ phải chờ đến lần ra mắt phần mềm (release software) mới. Như thế tức là có thể mất ít nhất 3 tháng, thậm chí là 6 tháng” – Việt Anh cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Tính - PTGĐ Viettel Telecom – đơn vị phối hợp VTNET triển khai eSIM tiết lộ một điểm nhỏ cho thấy thời hạn quá cấp bách của dự án: “Kể cả khi làm ngày làm đêm, đại diện Apple đoán Viettel chỉ có thể ra mắt sản phẩm vào quý 1/2020 thôi, không thể quý 4/2019 được”.
Và để kịp tiến độ của dự án eSIM cho iPhone và Apple Watch, ba đơn vị có liên quan chính là VTNET, Apple, Viettel Telecom phải tương tác liên tục, cấp chỉ huy cũng phải họp hàng tuần để đôn đốc, xử lý các vấn đề và tăng tốc việc triển khai. “Trong bối cảnh cả 3 nhà mạng đều chạy đua để ra mắt eSIM đầu tiên thì Viettel có áp lực là không thể đi sau được”, Nguyễn Việt Anh chia sẻ.
Nguyễn Việt Anh, người chủ trì nhiều dự án công nghệ có tính chuyển đổi tại Viettel tiết lộ, Apple làm việc rất chuyên nghiệp, nhưng hơi “áp đặt”. Làm việc với các các kỹ sư Viettel, các chuyên gia của Apple cũng rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ, cử người sang làm việc trực tiếp… Và cuối cùng, ngày ra mắt eSIM Viettel trên Apple Watch thành công không phải là quý 1/2020 như Apple dự báo mà vào tháng 12, với một ngày đặc biệt thứ Sáu ngày 13/12/2019.
Gỡ khó cho “nhiệm vụ bất khả thi” về 5G
Việc triển khai hạ tầng thử nghiệm 5G tại TP HN và TPHCM là một dự án đặc biệt khác mà Viettel thực hiện. Không như một số nhà mạng khác trên thế giới, 5G của Viettel là triển khai trực tiếp trên các thiết bị đang phục vụ hàng triệu thuê bao 3G, 4G và được nâng cấp lên để hỗ trợ 5G. Khi làm trên chính hạ tầng hiện tại, Viettel phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
“Ở các nước khác họ có thể đầu tư hẳn một hệ thống mới, hoặc làm theo kiểu mô hình lab thì sẽ không nhiều thách thức như mình. Mình là nâng cấp từ hệ thống đang vận hành, nên với các phần liên quan đến mạng lõi, để không làm gián đoạn dịch vụ của khách hàng thì phải làm đêm, từ 0h đêm đến 5h sáng” – Nguyễn Việt Anh tiết lộ.
Mặt khác, 5G của Viettel có hệ thống mạng lõi đặt tập trung ở ngoài Hà Nội trong khi trạm 5G theo giấy phép lại thử nghiệm ở Hồ Chí Minh. Đối tác cung cấp thiết bị từ châu Âu chưa bao giờ gặp trường hợp “oái oăm” như vậy, bởi cự li xa thì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đường truyền và suy giảm tốc độ.
Tuy nhiên, các kỹ sư của VTNET sau khi nghiên cứu đã trao đổi với đối tác và thực hiện bộ giải pháp tối ưu tổng thể (từ mạng lõi, vô tuyến, truyền dẫn cho tới ứng dụng), giúp cho tốc độ 5G đạt 1,7 Gb/s như yêu cầu. Sau khi triển khai thành công ở TPHCM, có những giải pháp thuộc dự án đã được đối tác đưa vào cẩm nang triển khai 5G trên toàn thế giới.
Giải thích thêm thách thức khi triển khai 5G của Viettel, ông Nguyễn Việt Anh cho biết: Quốc gia được coi là đi đầu về 5G như Hàn Quốc cũng mới khai trương mạng 5G hồi tháng 4, thì đầu tháng 5/2019 Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên. “Bản chất về 5G các quốc gia khác cũng chưa có kinh nghiệm triển khai nhiều. Vì vậy trong quá trình làm nếu có vướng mắc bế tắc thì Viettel và đối tác phải phối hợp trực tiếp, chứ không thể áp thẳng các bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác vào trường hợp của Việt Nam”, Nguyễn Việt Anh nhận xét.
Thực tế, ngày 10/5/2019 Viettel thực hiện First Call 5G với thiết bị đầu cuối 5G thương mại thì đầu tháng 5 thiết bị này mới được chứng nhận hợp chuẩn và gần ngày chót mới thu xếp đưa thiết bị này về Việt Nam. “Thiết bị trực tiếp được xác tay từ Malaysia về Việt Nam, cập nhập bản phần mềm hỗ trợ mạng Viettel để kịp cho sự kiện. Trước đó chỉ là thiết bị test chuyên dụng to hơn bàn tay và nặng gần kg thôi”, Nguyễn Việt Anh tiết lộ.
Cho tới ngay Viettel thương mại hóa 5G, việc đi song hành cùng thế giới về công nghệ này sẽ còn khiến các kỹ sư của VTNET gặp nhiều thách thức. Thế nhưng, Nguyễn Việt Anh cho biết, bản thân anh và đội ngũ VTNET luôn xác định “càng thách thức sẽ giúp mình học hỏi được nhiều hơn”. “Hy vọng các dự án thử nghiệm trong năm 2019 có thể đến với khách hàng, đi vào cuộc sống trong năm 2020 đặc biệt là 5G, eSIM, NB-IoT”, Nguyễn Việt Anh – người vừa được vinh danh là một trong 8 cá nhân xuất sắc nhất toàn cầu của Tập đoàn Viettel tại Viettel’s Stars 2019, tâm sự.