Sáng nay (11/6), giá vàng nhẫn tiếp tục giảm ngày thứ 3 liên tiếp về quanh mốc 74 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đi ngang từ cuối tuần trước đến nay. Tuy giá vàng miếng SJC đã giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao, hiện là 76,98 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận tại các điểm bán vàng của 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, những ngày qua người dân vẫn xếp hàng từ sớm chờ lấy số thứ tự để “săn vàng”. Không ít người, đã bỏ dở công việc, kiên nhẫn xếp hàng liên tiếp 3-4 ngày để có thể mua được vàng miếng SJC.
Đỉnh điểm, tại các điểm bán vàng thuộc các ngân hàng thương mại nhà nước tại Hà Nội sáng 11/6 trong tình trạng gần như “vỡ trận”. Số người đến xếp hàng mua vàng quá đông gây nên cảnh tắc nghẽn trước cửa các chi nhánh.
Theo ghi nhận của phóng viên Truyền hình Hà Nội, tại chi nhánh Vietcombank ở Láng Hạ, Đống Đa, từ 7h30 sáng đã có hàng trăm người dân xếp hàng chờ mua vàng. Đáng chú ý, có nhiều người đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam… Nhiều người dân cho biết, họ xếp hàng từ 4h sáng nay (11/6) nhưng vẫn chưa mua được vàng.
Đến khoảng 8h52 sáng, đại diện chi nhánh Vietcombank Láng Hạ thông báo đã phát hết 150 số thứ tự mua vàng ngày hôm nay, đề nghị người dân trở về và đến vào đầu giờ chiều.
Tại một số điểm bán vàng mới mở trong ngày hôm nay như Agribank Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, số người xếp hàng cũng rất đông. Chi nhánh này cho biết trong buổi sáng sẽ sắp xếp bán cho 80 khách hàng, mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 1 lượng. Còn ngân hàng Vietcombank cho biết ngày hôm nay ngân hàng này cũng giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lượng vàng.
Không chỉ tại các chi nhánh bán vàng ở Hà Nội mà trong TP.HCM, tình trạng chen chân xếp hàng chờ mua vàng tiếp tục diễn ra. Theo ghi nhận của báo Sài Gòn Giải Phóng, tại trụ sở chính Công ty SJC (418-420 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM) lúc 7 giờ sáng 10/6, hàng dài người dân xếp hàng ra tận vỉa hè chờ lấy số thứ tự vào giao dịch. Lực lượng công an và bảo vệ phải túc trực thường xuyên để đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ, công ty thông báo tạm ngưng nhận giao dịch vì lượng khách quá tải.
Tương tự, tại các chi nhánh ngân hàng BIDV, Agribank (quận 1, TPHCM), người dân cũng xếp hàng chờ đợi từ sớm để lấy số thứ tự vào mua vàng. Một số chi nhánh chỉ thực hiện giao dịch buổi chiều, vì buổi sáng ngân hàng phải làm thủ tục mua vàng từ NHNN, sau đó chuyển về kho, mới thực hiện bán cho dân, và giới hạn bán cho mỗi người 2 lượng vàng SJC.
Trước biến động phức tạp của thị trường vàng vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo để bình ổn thị trường vàng . Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần có giải pháp thực sự căn cơ đối với quản lý thị trường vàng
Sau 1 tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng qua các ngân hàng thương mại , giá vàng miếng SJC đã liên tục giảm mạnh, xuống còn mốc 76 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này nếu so với thời kỳ đỉnh cao lúc 92,4 triệu đồng/lượng, thì giá vàng đã giảm tới 16,4 triệu đồng/lượng.
Hiện tại giá vàng trên thế giới cũng đã chọc thủng ngưỡng cản tâm lý 2.300 USD/oz, song thị trường trong nước vẫn ghi nhận lượng người mua vàng tăng vọt. Dường như nhiều người đang nhắm mắt "mua lấy được".
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái ngân hàng trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu…
"Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng", TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh. Ông Phước khuyến nghị người dân nên thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính "công sức" chúng ta tạo ra. "Việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt", TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.