Thống kê của Dân Việt trên 28 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vào 28 ngân hàng này cuối quý 1/2024 đạt 9.941 nghìn tỷ đổng, tăng nhẹ 0,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của khách hàng lại giảm 4,2%, đạt 2.011 nghìn tỷ đồng.
Trong số 28 ngân hàng được thống kê, có tới 10 ngân hàng ghi nhận mức giảm huy động trong quý 1. Trong đó, ABBank là ngân hàng có mức giảm cao nhất khi giảm tới 16,5% so với hồi đầu năm, tương đương 16.510 tỷ đồng đã được rút ra. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn giảm gần 18%, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn cũng giảm hơn 6%.
Huy động không được, tình hình cho vay của ABBank cũng giảm theo. Tính đến cuối quý 1/2024, dư nợ cho vay của ngân hàng này ở mức 79.132 tỷ đồng, giảm 19,3% và là ngân hàng có dư nợ cho vay giảm mạnh nhất trong các nhà băng được thống kê. Trong khi đó, nợ xấu lại tăng 9% khiến Tỷ lệ nợ xấu/Dư nợ cho vay của ABB tăng vọt từ 2,91% đầu năm lên 3,92% chỉ trong vòng 3 tháng.
Ở chiều ngược lại, LPB lại nổi lên khi cả dư nợ cho vay lẫn huy động tiền gửi đều tăng cao nhất ngành với mức độ tăng trưởng đều trên hai chữ số.
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, LPB đã đẩy dư nợ cho vay tăng đến 11,9%, đạt 307.686 tỷ đồng. Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đến 31/03/2024 đạt 261.994 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4%. Trong khi đó, kế hoạch đề ra cho cả năm của ngân hàng này là tín dụng thị trường 1 tăng 16% và huy động vốn thị trường 1 tăng 11%. Như vậy trong quý đầu năm, LPB gần như đã cho vay hơn 70% mục tiêu cả năm.
Trong diễn biến chung của thị trường, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn phần lớn giảm thì LPB cũng đi ngược xu hướng khi khoản mục này tăng đến 21,8% so với hồi đầu năm.
Xét theo giá trị tuyệt đối, tiền gửi tiết kiệm tại VCB giảm mạnh nhất khi hơn 48.372 tỷ đồng đã được khách hàng rút ra. Hiện nhà băng này vẫn giữ vị trí đầu bảng khi có mức huy động tiền gửi khách hàng cao nhất trong các ngân hàng TMCP với 1.347 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 1 vừa qua.
Tiếp theo là TPBank khi tiền gửi tiết kiệm khách hàng của nhà băng này cũng giảm hơn 17.434 tỷ đồng, tương đương mức giảm 8,4%.
Về tiền gửi không kỳ hạn, trên 28 ngân hàng TMCP được thống kê thì có tới 18 ngân hàng có tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng sụt giảm trong quý 1.
Có nhiều ngân hàng giảm đến trên 20% so với hồi đầu năm. Giảm mạnh nhất là Bắc Á Bank khi tiền gửi không kỳ hạn giảm đến 42%, từ 5.127 tỷ đồng đầu năm xuống còn 2.976 tỷ đồng cuối quý 1. Người dân cũng không còn để nhiều tiền nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng tại HDB, SHB và VietBank như trước với mức giảm lần lượt là 22%, 24% và 25,6%. Trong đó, trong nhóm có Tỷ lệ cho vay/Tiền gửi khách hàng từ trên 100% hồi đầu năm, HDB là ngân hàng duy nhất bị giảm xuống còn 95% trong quý 1.
Ở nhóm ngân hàng lớn thu hút nhiều tiền gửi của người dân như nhóm ngân hàng quốc doanh đều sụt giảm ở nhóm tiền gửi không kỳ hạn. VCB giảm hơn 26.110 tỷ đồng tương đương -5,7%, BIDV giảm 18.044 tỷ đồng (-5,4%) và 3CTG giảm 3.918 tỷ đồng (-1,3%). Đặc biệt, MBB trong quý đầu năm giảm đến 22.008 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 10% tiền gửi không kỳ hạn.
Những số liệu này cho thấy xu hướng bớt để tiền nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng của người dân. Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm nằm ở mặt bằng thấp toàn ngành trong suốt quý 1, dòng tiền trong ngân hàng của người dân có xu hướng rút ra và dịch chuyển sang các hình thức đầu tư khác. Lượng tiền gửi được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong quý 2 khi cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, nhiều ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại sau một thời gian dài giảm lãi.
Hiện, 10 ngân hàng TMCP có tiền gửi khách hàng cao nhất cũng chính là 10 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất, top 10 này không thay đổi thành viên trong vòng 3 tháng đầu năm dù vị trí thứ hạng có thay đổi nhỏ. Top 10 ngân hàng này đều chiếm 79% tổng dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng của tổng 28 ngân hàng TMCP được thống kê.