Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6-2022 cho thấy, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm ngoái, đạt 5,84 triệu tỉ đồng).
So với tháng trước, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỉ đồng. Còn nếu tính trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỉ đồng.
Dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Ảnh: Hoàng Triều
Người dân vẫn chuộng gửi tiết kiệm và để tiền ở tài khoản thanh toán trong bối cảnh lãi suất huy động tăng đáng kể từ đầu năm tới nay và các kênh thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến.
Theo ghi nhận, lãi suất huy động từ tháng 8 đến nay đã tiếp tục nhích lên tại nhiều ngân hàng thương mại như VPBank, Techcombank, ACB... Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 7%/năm xuất hiện tại nhiều ngân hàng thương mại hơn. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm tiền gửi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi.
Như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang triển khai sản phẩm Tiền gửi iDepo với lãi suất cao nhất 6,7%/năm, định kỳ lĩnh lãi 6 tháng/lần với các mệnh giá từ 100, 200, 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Lợi thế của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi này là chuyển nhượng thuận lợi ngay khi cần. Theo đó, khi cần vốn đột xuất cho các nhu cầu khác, khách hàng có thể chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp không hạn chế với mức phí chuyển nhượng linh hoạt.
Gửi tiết kiệm online cũng là một kênh được ưa chuộng vì tính tiện lợi và đặc biệt lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy. Ngân hàng số Cake by VPBank vừa công bố tăng lãi suất tiết kiệm lên cao nhất 7,7%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng; các kỳ hạn khác như 12 tháng lãi suất cũng tới 7,5%/năm. Ngân hàng số Cake cũng vừa công bố cán mốc 2 triệu khách hàng mở tài khoản sau 19 tháng ra mắt.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lý giải lãi suất huy động tăng để chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng vào cuối năm. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4% nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản dồi dào.