Giới truyền thông Trung Quốc cho biết tầng lớp trung lưu, lao động cổ trắng của nước này đang ngày càng bối rối và lo lắng về chiến tranh thương mại với Mỹ khi chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày.
Đây là điều khá bất ngờ với hàng loạt những thông tin cứng rắn, cổ vũ chính quyền Bắc Kinh "mạnh mẽ" trong cuộc chiến thương mại đang ngập tràn trên báo chí và mạng xã hội những tuần qua.
Theo các chuyên gia, việc giá cả tiêu dùng đi lên cùng những lo lắng về chiến tranh thương mại đang khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu, qua đó có thể tác động mạnh đến tăng trưởng của cả nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 3/2019 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 6 tháng. Đến tháng 4/2019, tỷ lệ này đạt 2,5%.
Xét trên chỉ số giá tiêu dùng tính riêng cho thực phẩm, tốc độ tăng của tháng 4/2019 đạt 6,1%, cao đột biến so với mức 4,1% của tháng 3. Riêng giá thịt lợn, mặt hàng thịt được tiêu thụ nhiều nhất nước tăng tới 14,4%.
Sự lo lắng của giới trung lưu tại Trung Quốc càng được củng cố bằng tín hiệu mua mạnh vàng cũng như các đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó là lượng vốn đổ ra nước ngoài cũng tăng dần theo.
Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều bài đăng thể hiện sự lo lắng cũng như mong muốn cập nhật tình hình của giới văn phòng thu hút được sự quan tâm.
Cô Su Gengsheng, 1 nhà văn và blogger có hơn 300.000 lượt theo dõi ở Trung Quốc vốn nổi tiếng về những bài viết về mỹ phẩm và trang điểm thì nay lại thu hút được người theo dõi bởi những bài đăng về chiến tranh thương mại. Hàng nghìn lượt like và chục nghìn lượt share đã xuất hiện sau bài viết của cô về chiến tranh thương mại, đến nỗi chúng bị an ninh mạng chặn với lý do "vi phạm những quy định và điều khoản liên quan".
Bất chấp việc kiểm duyệt, nỗi lo lắng về chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đời sống người dân đang lan tràn trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là những người đầu tư vào thị trường chứng khoán hay bất động sản, những phụ huynh đang cho con du học ở Mỹ hay đơn giản là các khán giả đang theo dõi những chương trình giải trí của Mỹ trên tivi.
Tệ hơn, việc nhiều tiếng nói kêu gọi người dân thắt chặt hầu bao, chuẩn bị cho 1 cuộc chiến dài hạn càng làm người tiêu dùng trong nước lo lắng. Những năm tháng bùng nổ kinh tế khiến tầng lớp trung lưu phất lên khiến nhiều người đã nghĩ về 1 "Giấc mơ Trung Hoa" như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập, nhưng những đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến mọi người tỉnh giấc.
"Tôi thường nói chuyện với bạn bè và khách hàng ở nước ngoài qua các ứng dụng. Giờ đây chúng tôi khá cẩn trọng trong chuyện đó vì lo ngại tài khoản WeChat có thể bị khóa vì những nội dung nhạy cảm liên quan đến chiến tranh thương mại…
Chỉ trong vòng 2 tuần, quan điểm của mọi người đã thay đổi đột ngột. Trước đây chúng tôi chỉ nghĩ chiến tranh thương mại sẽ không thể xảy ra nhưng giờ đây tôi bắt đầu lo sợ việc đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá trong tương lai hay những kịch bản tệ hại hơn nữa sẽ xảy ra nếu 2 nền kinh tế có chiến tranh toàn diện. Không chỉ thương mại và công nghệ, tôi còn lo lắng cuộc chiến trên thị trường tài chính và tiền tệ cũng sẽ xảy ra…
Tôi nghĩ mình cần có kế hoạch dự phòng như dự trữ đồng Yên Nhật, USD hay Australia Dollar bằng tiền mặt tại nhà cho những trường hợp khẩn cấp…", một thương gia xuất khẩu 40 tuổi tại Quảng Đông xin được giấu tên nói.
Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã thành lập cái gọi là Hội đồng dẫn dắt lao động quốc gia (SCEWL) nhằm quản lý tình hình lao động, ngăn chặn hiện tượng thất nghiệp tăng do chiến tranh thương mại khi hàng loạt công ty nước ngoài có nguy cơ hủy bỏ hợp đồng tại Trung Quốc, qua đó khiến nhiều người mất việc làm.
Anh Yan Chao, một giám đốc 30 tuổi cho 1 hãng quảng cáo ở Thượng Hải cho biết tỷ giá đang hướng đến 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, trong khi giá 1 hộp nho 500 gr ngoài siêu thị đã tăng lên đến 30 Nhân dân tệ (4,3 USD). Ngày càng nhiều những thông tin xấu đang khiến người dân lo lắng và cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống người dân.
"Vợ chồng tôi đang tính vay tiền mua xe hơi nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ chúng tôi sẽ hoãn kế hoạch cho đến năm sau khi mọi chuyện tốt hơn", anh Chao trần tình.
Doanh nghiệp sầu lo
Cách đây 6 tháng, anh Steve Liu, giám đốc kinh doanh của 1 nhà máy tại Thượng Hải còn rất tự tin khi cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ chấm dứt, nhưng giờ đây anh lại đang lo sốt vó vì các đòn thuế của Tổng thống Trump. Nhà máy của anh sản xuất linh kiện cho Huawei và lệnh cấm của Mỹ với công ty có nguy cơ khiến doanh nghiệp của anh Liu phá sản.
Câu chuyện của anh Liu chỉ là 1 trường hợp ở Trung Quốc khi hàng loạt doanh nghiệp đang lo lắng các thiệt hại mà chiến tranh thương mại leo thang có thể gây ra. Riêng lệnh cấm với Huawei đã khiến hơn 1.200 nhà cung cấp cho tập đoàn này phải lao đao.
"Rất nhiều khách hàng Mỹ đã hủy hợp đồng với chúng tôi chỉ vì chúng tôi là người Trung Quốc, thế rồi họ chuyển sang những nhà cung cấp khác như Ấn Độ hay Việt Nam", một nhà cung cấp tại Dongguan xin được giấu tên cho hay.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 500 tỷ USD kể từ sau lệnh áp thuế mới của Tổng thống Trump lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nước này vào Mỹ. Riêng trong tháng 5, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 5,3% còn khối ngoại đã bán ròng 7,2 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục của tháng 4/2019.
Trong khi đó đồng Nhân dân tệ đã mất giá 2,5% trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018. Trở thành đồng tiền Châu Á tồi tệ nhất trong tháng.
Mặc dù vẫn tự hào có lượng dự trữ ngoại hối lên đến 3,1 nghìn tỷ USD nhưng Trung Quốc chưa chắc đã chịu đựng được cuộc chiến thương mại kéo dài. Bằng chứng là ngân hàng nước này đã thắt chặt các giao dịch rút ngoại tệ có giá trị từ 3.000 USD trở lên dù theo luật, mỗi công dân được phép rút tới 50.000 USD mỗi năm.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đã giảm từ 48% GDP năm 2010 xuống chỉ còn 30% GDP hiện nay. Nợ nước ngoài của Trung Quốc cũng đã tăng vọt lên 1,97 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục. Như vậy lượng dự trữ ngoại hối hiện nay của nước này chỉ còn đủ chi trả cho 12 tháng nhập khẩu ròng hàng hóa sau khi trừ nợ.
Một bằng chứng rõ rệt khác cũng cho thấy nguồn cung USD trong nội địa Trung Quốc đang giảm đi đó là chi phí huy động USD tăng cao trong năm nay. Theo số liệu của Reuters, lãi suất huy động USD của Trung Quốc kỳ hạn một năm đã tăng từ mức 2,4% hồi tháng 8/2018 lên khoảng 3,4% ở thời điểm hiện tại.