Cầu cứu
Anh D. (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) cùng nhiều nông dân tại đây đã cầu cứu khắp nơi do rau quá lứa nhưng không bán được. Nguyên nhân là thương lái không thu mua vì không có phương tiện để vận chuyển, các hộ dân cũng không thể tự đem rau đi tiêu thụ.
May mắn, một nhóm thiện nguyện đã mua lại toàn bộ số nông sản trên, với số lượng gần 2,2 tấn để đi cấp phát cho các nơi cách ly, các bếp ăn 0 đồng trên địa bàn TPHCM. “Trước dịch mỗi kg rau chúng tôi bán giá khoảng 20.000 đồng, nhưng nay chúng tôi chỉ bán được bình quân 8.000 đồng/kg. Bán với giá này xem như hòa vốn nhưng nếu không bán cũng phải nhổ bỏ vì đến đợt thu hoạch mà không hái, rau sẽ bị già đi, không ai ăn nữa” - anh D. nói.
Tại Đồng Nai, nông dân cũng đang “sống dở chết dở”. Hơn một tháng nay, trang trại chăn nuôi Sông Mây (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) của ông Hoàng Văn Cần tồn khoảng 120 tấn cá. Mỗi ngày, ông lại tiêu tốn thêm hàng triệu đồng thức ăn cho cá. “Sở Nông nghiệp cũng giới thiệu điểm bán, nhưng với lượng cá hơn trăm tấn, ao rộng cả héc ta không thể mỗi lần đánh bắt bán vài trăm kg được” - ông Cần cho hay.
Bà An Tú Anh - Giám đốc HTX rau sạch Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) cho biết, lượng rau ngoài đồng của các xã viên có khoảng 100 tấn đang vào kỳ thu hoạch cũng không có nơi tiêu thụ. Bà Anh cho biết: “Năng lực của HTX có khả năng cung ứng rau ăn lá (dền, lang, đay, mồng tơi) 6 tấn/ngày và rau cải 2 tấn/ngày. Thường thị trường tiêu thục của HTX là các bếp ăn công nghiệp, chợ đầu mối và xuất khẩu. Tuy nhiên đến nay các đơn vị này đều dừng hoạt động nên đầu ra của HTX hết sức khó khăn. Đầu tháng 7, khi xã Gia Tân 3 bị phong tỏa HTX đã phải nhổ bỏ khoảng 10 tấn rau”.
Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, nông dân trồng nhãn xuồng cơm vàng ở huyện Xuyên Mộc cũng “dài cổ” chờ khách. Bà Nguyễn Thị Tịnh (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cho biết, gia đình có 700 gốc nhãn xuồng cơm vàng. “Năm nay vườn nhãn sai trái, ước khoảng trên dưới 20 tấn, giờ bán với giá 15.000 đồng/kg nhưng không ai hỏi han. Mỗi đêm nhãn trong vườn rụng 700-800 kg, nếu không có người mua thì coi như trắng tay” - bà Tịnh nói.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, có 15 hộ trồng nhãn với 21ha. Trước dịch, nhãn được cung cấp cho hệ thống các siêu thị ở TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Bây giờ chỉ còn một siêu thị ở TPHCM mua với hạn mức từ 500 kg đến 1 tấn/ngày, giá 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhãn của bà con đang chín ồ ạt, nguồn cung hơn 10 tấn mỗi ngày, không thể nào bán hết được. Một số bà con gom đơn, lái xe tải chở bán lẻ với giá 15.000 đồng/kg nhưng mỗi người mua 10-20kg nên sức tiêu thụ rất chậm khiến mọi người rất sốt ruột.
Tìm lối thoát
Ông Dương Tấn Linh - Chủ tịch hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, địa phương có 450ha nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Thái đã chín rộ 70% và hiện còn tồn đọng gần 1.000 tấn nhãn. Sau vài ngày kêu gọi người dân, cơ quan ban ngành trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiêu thụ được 124 tấn nhãn, với giá 15.000 đồng/kg. Nông dân trồng nhãn đang gặp khó là đơn hàng nhỏ lẻ không thể giao được, còn đơn hàng lớn của các siêu thị thì không đáp ứng được yêu cầu về đóng gói, nhãn mác...
Ông Trần Lâm Sinh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho hay: “Sở đã lập Tổ hỗ trợ COVID-19 để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đây, đưa sản phẩm đến tiêu thụ trong các khu vực cách ly. Tuy nhiên, cũng chỉ tiêu thụ được phần nhỏ, hiện Sở đã làm việc với TPHCM và các địa phương khác để nối lại thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân”.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đã gửi văn bản đến các ngành chức năng, các huyện, thị, thành và doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ số trái cây trên. Cụ thể, Xuyên Mộc đang có 1.290 tấn nhãn xuồng cơm vàng giá bán 15.000 đồng/kg; nhãn quế 100 tấn giá bán 8.000 đồng/kg; thanh long 140 tấn giá bán 10.000 đồng/kg đang cần chờ tiêu thụ. “Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, thủy sản của bà con trên địa bàn huyện” - ông Khanh giải thích nguyên nhân.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Chủ tịch HTX Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi, TPHCM) cho hay, HTX còn tồn hơn 70 tấn cá rô, cá lóc chưa có đầu ra. “Qua nhiều lần đưa hàng đi phân phối, chúng tôi thấy rằng nếu có người đại diện địa phương thu mua thì sẽ dễ dàng hơn. Cụ thể, chúng tôi đang bán cá cho người dân tại phường Hiệp Thành (Q.12, TPHCM) bằng cách cho một người đại diện phường đứng ra làm đầu mối, các tổ dân phố sẽ nhận đơn hàng đăng lý của người dân rồi tập hợp lại gửi cho vị này. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ giao cá đến địa phương để đưa xuống từng đến người dân. Nếu các địa phương khác cùng thực hiện theo cách này thì vừa “giải cứu” được cá tại ao, hỗ trợ nông dân, vừa có thêm nguồn thủy sản an toàn với giá cả phải chăng” – bà Ánh Lan bộc bạch.