Trở nên cao chót vót khi đặt cạnh những ngôi nhà gạch đỏ thấp tầng, cạnh những đàn trâu gặm cỏ và đất nông nghiệp xanh tươi rải rác những cây cọ, Ever Given đứng như một tượng đài toàn cầu hóa sừng sững giữa khung cảnh nông thôn Ai Cập điển hình. Và kể từ khi con tàu mắc kẹt vào tuần trước đã khiến một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới bị đình trệ, người dân nơi đây đã có một dịp hiếm hoi chứng kiến một sự kiện mà kết quả của nó là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy một con tàu nào bị mắc kẹt tại đây trong một thời gian dài", một phụ nữ địa phương tên Fatman, người đã dành phần lớn cuộc đời chứng kiến sự giao thương trên kênh đào này cho hay. Cô chỉ tay vào chiếc Ever Given, nơi mà những đứa trẻ địa phương đã chơi trò trốn tìm vào ban đêm: "Chúng tôi đã kết bạn với nó rồi!".
Trong khi các máy đào, tàu kéo và các đội kỹ sư chạy đua để giải thoát cho con tàu, những cư dân của vùng nội địa nông nghiệp phía bắc thành phố Suez đang đắm chìm trong sự mới lạ. Một số người chụp ảnh selfie với "con quái vật" khổng lồ này hoặc vẫy tay chào phi hành đoàn. Còn những người khác như Fatma mơ mộng về những gì nó đang vận chuyển đến các thị trường thế giới.
Những con tàu lênh đênh trên biển có thể đến từ mọi nơi trên Trái đất, nhưng đối với người dân địa phương, con kênh dài 120 dặm nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải mở cửa vào năm 1869 chính là niềm tự hào của người Ai Cập. Từ đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, Pharaoh Senusret III được cho là đã thiết lập một mạng lưới liên kết tới biển bằng cách sử dụng các nhánh của sông Nile.
Tổng thống Gamal Abdel-Nasser đã quốc hữu hóa kênh này vào năm 1956, giành lại nó sau 8 thập kỷ kiểm soát của Anh và chống lại cuộc xâm lược của các lực lượng Israel, Anh và Pháp, củng cố vị thế của ông là một nhà lãnh đạo Ả Rập đầy cảm hứng. Người đứng đầu nhà nước hiện tại Abdel-Fattah El-Sisi đã giám sát dự án mở rộng trị giá 8 tỷ USD được khởi công năm 2015 và tìm cách tăng lưu lượng tàu bè qua đi cũng như tăng doanh thu.
Với sáng kiến đó, an ninh được tăng cường. Một hàng rào được dựng lên vào năm 2014 đã chặn dân làng khỏi bờ kênh. Nhiều năm trước khi tàu mắc cạn, dân làng nhớ các thuyền viên đã ném sô-đa lên bờ cho trẻ em. Đối với những người như Mohammed Awad, 39 tuổi, sinh ra ở Ismailia, một trong ba thành phố khác của kênh đào cùng với thành phố Port Said, kênh đào đã là một phần cuộc sống của nhiều thế hệ. Anh lớn lên bằng công việc đánh cá trong kênh với cha mình, và ông nội của anh làm việc trên một tàu cuốc chuyên vớt xác tàu bị đắm trong cuộc xung đột Yom Kippur năm 1973 với Israel.
Một vị trí trọng yếu
Vị trí chiến lược của kênh đào Suez - nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ (Nguồn: Bloomberg)
Kênh đào đã từng bị đóng cửa từ năm 1967, khi các nước Ả Rập và Israel chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, và chỉ được mở lại vào năm 1975. Đó là lần đóng cửa lớn nhất cuối cùng, cho đến nay.
Giống như tất cả những người sống bên con kênh được phỏng vấn về câu chuyện này, Awad nhớ lại những cơn gió mạnh và bão cát đã biến bầu trời thành màu vàng và làm hạn chế tầm nhìn vào ngày Ever Given mắc cạn.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết đây là một tai nạn khiến họ mất tới 14 triệu USD mỗi ngày. Con kênh đã tạo ra 5,6 tỷ USD cho chính phủ vào năm ngoái, vào khoảng 10% tổng thu ngân sách. Cho đến một cuộc họp báo kéo dài vào thứ Bảy, các nhà chức trách đã công bố thông tin rất hạn chế về sự kiện và việc tiếp cận khu vực tàu Ever Given vẫn bị hạn chế rất nhiều.
Awad nói: "Tôi đã hoảng sợ khi lần đầu tiên nghe về con tàu. Tôi biết kênh đào quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng ta".
Theo Bloomberg