Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng.
Cụ thể, đến cuối tháng 10/2021, tiền gửi tại các TCTD đạt hơn 5,55 triệu tỷ đồng, chỉ tăng thêm 607 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2021.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới gần 7.900 tỷ đồng trong tháng 10 xuống mức hơn 5,25 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư sau khi giảm 2 tháng liên tiếp (tháng 8-tháng 9) thì sang tháng 10 đã tăng trở lại 8.500 tỷ đồng lên hơn 5,3 triệu tỷ đồng.
Theo đó, so với đầu năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 10 tăng hơn 372.000 tỷ đồng, tương đương tăng 7,36% trong khi tiền gửi của dân cư chỉ tăng hơn 158.504 tỷ đồng, tương đương tăng 3,08%.
Mức tăng trưởng chủ yếu ở giai đoạn tháng 2-tháng 6 khi dịch bệnh trong nước vẫn được kiểm soát tốt. Trong khi đó, bước sang quý 3 (tháng 7-9), tiền gửi của dân cư có dấu hiệu sụt giảm do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Trong 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng chỉ đạt 5,3%, thấp nhất trong lịch sử thống kê từ 2012 đến nay.
Tăng trưởng huy động vốn cũng đang thấp hơn nhiều so với cho vay. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm 2021 đạt 8,76% và đến ngày 22/12/2021 đạt 12,68%.
Cách đây 10 năm, tiền gửi của dân cư chiếm gần 60% trong tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD thì đến nay chỉ còn khoảng 50%.
Trong 2 năm gần đây, lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống mức rất thấp, kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất chỉ 4%/năm, kỳ hạn 12 tháng phổ biến quanh mức 6%/năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán hoạt động sôi động, bất động sản tăng "nóng" đã khiến nhiều cá nhân dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư thay vì gửi tiết kiệm vào các nhà băng.