Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, 2 tỉnh miền núi là Lào Cai và Lạng Sơn lọt top 10 tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi nhiều nhất cả nước. Tỷ lệ sở hữu xe hơi ở Lào Cai và Lạng Sơn lần lượt là 7,6% và 6,8% xếp thứ 6 và thứ 9 cả nước.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe hơi. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ lệ cao gấp gần 3 lần so với nông thôn, lần lượt là 9,5% và 3,6%.
Ngoài ra, nếu tính riêng vùng thành thị ở các tỉnh, thì khu vực thành thị ở Lào Cai là nơi có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lớn nhất cả nước với tỷ lệ 19,3%. Sau đó là thành thị ở Bắc Giang (19,2%), Thái Nguyên (18,1%), Lạng Sơn (17,7%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nếu nhìn vào kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng, nhưng lại nằm ngoài top 10 về sở hữu xe hơi.
Trong khi đó, Lào Cai với Lạng Sơn thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thu nhập thấp hơn nhiều nhưng lại có tỷ lệ tỷ lệ sở hữu xe ô tô lớn hơn.
Lạng Sơn
Về vị trí địa lý, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi ở vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Năm 2018, Lạng Sơn là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 52 về số dân, xếp thứ 51 về GRDP, xếp thứ 47 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 20 về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Theo Cục thống kê tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ sôi động trở lại, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 11.998 tỷ đồng, đạt 52,97% kế hoạch, tăng 11,56% so với cùng kỳ.
Nhiệm vụ chuyển đổi số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, xét theo khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 8 về thu nhập bình quân đầu người với 2,297 triệu đồng/người/tháng. Còn nếu xét trên cả nước, tỉnh Lào Cai xếp thứ 57 về thu nhập bình quân đầu người.
Lào Cai
Về vị trí địa lý, Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Tây Bắc Bộ. Năm 2020, Lào Cai là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 55 về số dân, xếp thứ 45 về GRDP, xếp thứ trong 15 trong 16 về GRDP bình quân đầu người và đứng thứ 11 về tốc độ tăng trưởng GRDP .
Tỉnh Lào Cai giáp với các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái và phía Bắc của tỉnh giáp với Trung Quốc.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 do Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường chủ trì, tỉnh Lào Cao cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, số ca lây nhiễm giảm dần; các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục, thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới. Các ngành sản xuất và dịch vụ có nhiều tín hiệu tích cực, góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 3.941 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, bằng 41,5% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 119,9% cùng kỳ.
Giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 20022 đạt 1.026/4.626 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch so với kế hoạch vốn, cao hơn mặt bằng chung cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước đạt khoảng 18% kế hoạch vốn).
Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, xét theo khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Lào Cai xếp thứ 7 về thu nhập bình quân đầu người với 2,427 triệu đồng/người/tháng. Còn nếu xét trên cả nước, tỉnh Lào Cai xếp thứ 54 về thu nhập bình quân đầu người.