Mới đây, theo thông tin từ báo Người lao động, ngày 31/7, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đưa đưa 372 công dân của Quảng Nam ở TP.HCM về quê tránh dịch miễn phí bằng máy bay từ nguồn xã hội hóa.
Người đã bỏ ra số tiền 400 triệu đồng bao trọn 2 chuyến bay trên để giúp đỡ bà con khó khăn về quê là ông Trần Công Cảnh (76 tuổi).
Trước khi lên máy bay, bà con đã được xét nghiệm và có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ. Khi đến sân bay Đà Nẵng, họ được xe của Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đưa về các khu cách ly tập trung của địa phương.
Người dân Quảng Nam tại TP.HCM làm thủ tục trước chuyến bay, tất cả đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 theo quy định của ngành hàng không.
Ông Trần Công Cảnh vốn là một doanh nhân. Từ một công chức nhà nước, nhà giáo Trần Công Cảnh chuyển qua kinh doanh làm ăn kinh tế tư nhân với rất nhiều lĩnh vực như: Mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, thành lập Công ty xây dựng Thu Bồn, Công ty CP Tân Minh (Bình Long – Bình Phước) và làm Trang trại Nghĩa Phúc (Bình Phước)…
Hiện, ông là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại tỉnh Bình Phước và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở phía Nam.
Vào năm 2013, ông Cảnh và vợ là bà Trần Thị Lan có mặt tại Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Bình Phước. Tại đây, vợ chồng ông đã chia sẻ câu chuyện "bỏ phố lên rừng" khiến nhiều người thán phục.
Từ bỏ nghề kinh doanh vàng đang ngày càng ăn nên làm ra ở khu vực Ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh vào những năm cuối của thập niên 1980, vợ chồng ông hưởng ứng chính sách "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" của lãnh đạo tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) thời đó, để "vượt núi băng rừng" về với xứ "khỉ ho cò gáy" thuộc xã Minh Đức, huyện Hớn Quản để lập trang trại.
Chính từ quyết định mà theo nhiều người nói "không bình thường" và trải qua bao nhiêu thăng trầm, hai vợ chồng ông Trần Công Cảnh đã tạo dựng cơ ngơi đáng mơ ước với nhiều người.
Vợ chồng doanh nhân Trần Công Cảnh và Trần Thị Lan.
Là một doanh nhân thành đạt đã nghỉ hưu, thời gian rảnh, ông Cảnh chú tâm vào công tác thiện nguyện. Được biết, đây không phải lần đầu tiên vị doanh nhân này hỗ trợ cho người dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung trong đợt dịch COVID-19.
Trong đợt dịch đầu tiên năm 2020, khi Quảng Nam – Đà Nẵng là tâm dịch, ông Cảnh thay mặt Hội đồng hương Quảng Nam ở phía Nam ủng hộ 540 triệu đồng.
Tháng 7/2020, Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành trung tâm của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 tại Việt Nam. Vợ chồng ông Cảnh đã ủng hộ số tiền 400 triệu đồng chuyển về hỗ trợ quê nhà trong công tác phòng chống dịch.
Trong đợt mưa lũ cuối năm 2020, ông Cảnh và Hội đồng hương Quảng Nam ở phía Nam ủng hộ Quảng Nam 520 triệu đồng và 5 tấn hàng hóa các loại.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta vào đầu năm nay, ngoài việc đôn đốc các chi hội cấp dưới quan tâm, hỗ trợ cho bà con, đích thân vợ chồng ông bỏ cả trăm triệu đồng mua gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết kèm theo tiền mặt đến trao tận tay hỗ trợ cho bà con ở các khu vực Hớn Quản, Chơn Thành, Lộc Ninh…
"Bây giờ tôi đang cùng với hội đồng hương tổ chức hỗ trợ cho đồng hương Quảng Nam ở lại TP HCM và các tỉnh, thành khác. Nhiều người khó khăn, mất việc 2 tháng nay rồi. Thiếu thốn đủ thứ, tiền nhà trọ, thiếu tiền ăn, tội lắm, bây giờ phải lo cái đó" – ông Cảnh bày tỏ.
Ông Cảnh thổ lộ, với truyền thống của gia đình mình, ước nguyện của ông là chăm lo cho người khó khăn. Ông đã làm mấy chục năm nay rồi và tiếp tục làm cho tới khi "ôm nải chuối" mới thôi.
Ông Trần Công Cảnh (thứ 4 từ trái qua) cùng các thành viên đoàn Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng KV phía Nam trao số tiền 520 triệu đồng và 5 tấn hàng hỗ trợ tỉnh Quảng Nam khắc phục hậu quả sau cơn bão số 9.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón hơn 2.000 người xa quê gặp khó khăn ở TP.HCM về Quảng Nam.
(Tổng hợp)