Là một người thích du lịch trải nghiệm, được đến và được sống với những người bản địa, nên tôi có nhiều cơ hội làm mới bản thân. Qua mỗi chuyến đi, lại thấy mình may mắn khi đến đâu cũng có người luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức. May mắn nhất, trong cả 100 chuyến đi, chính là tôi có thêm một gia đình ở Đặc khu Yogyakarta (hay Jogja, thuộc Indonesia ). Tôi gọi họ là ba, má và hai người anh em.
Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, tôi qua Indonesia, về thăm nhà, vài lần một năm, được sinh hoạt với người bản địa trong các phong tục truyền thống như cưới hỏi, tang ma và lễ nghi tôn giáo.
Indonesia là một quốc gia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, trải dài trên 17.508 hòn đảo (số liệu chính thức và có thể còn nhiều hơn). Chính vì vậy, những người ở đảo này khi sang đảo khác chưa chắc đã hiểu nhau, người ở tỉnh này sang tỉnh khác chưa chắc biết hết văn hóa của đối phương.
Người Indonesia hình thành tính cách dựa vào nhiều yếu tố như vùng miền, dân tộc và tôn giáo. Gia đình ba má nuôi của tôi là người Java, chủng tộc chính trên toàn Indonesia. Ba theo đạo Công giáo, má từng theo đạo Islam.
Một số mẫu nữ trang tại Indonesia. Ảnh: Antara.
Trong tâm thức của má thì "không có khái niệm về ngày Thần Tài" - má nói - bởi dân tộc Java lẫn đạo Islam hay đạo Công giáo đều không tồn tại hình thức tín ngưỡng này. Trái ngược với Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, tồn tại ngày vía Thần Tài - diễn ra vào mùng 10 Tết hằng năm.
Khi được tôi kể cho nghe về ngày này, má thấy bất ngờ bởi đây là hoạt động thú vị. "Má chưa nghe đến ngày này bao giờ. Nếu được sang Việt Nam đúng ngày thì má cũng muốn trải nghiệm thử", má tôi hứng thú.
Má và một số người bà con trong gia đình có hình thức tích lũy tài sản chung gọi là arisan - một hình thức tài chính vi mô. Tôi cũng có tham gia. Nó hoạt động tương tự cách "chơi hụi" ở một số vùng miền của Việt Nam. Mỗi người tham gia sẽ góp tiền. Hằng tháng tất cả sẽ quây quần và bốc thăm xem ai là người may mắn nhận được toàn bộ số tiền trong kỳ.
Khi chưa cần tiền thì má nhường cho người cần hơn. Vì có hình thức thú vị này mà tôi chưa bao giờ nghe má chia sẻ sẽ mua vàng cho mục đích tích lũy như mẹ ruột hay bà ngoại ruột của tôi ở Việt Nam.
Lần đầu tiên, tôi thấy má mua vàng là dịp đám cưới của người em trai với vợ ở một đảo khác. Lượng vàng sắm cho cũng vừa phải chứ không phải "đắp vàng lên người cô dâu" như một số gia đình Việt Nam. Tháng 12 này, má sẽ lại mua vàng cho đám cưới người anh cả.
Dẫu vậy, má vẫn thỉnh thoảng mua vàng. "Một số quầy vàng lớn tại các trung tâm thương mại sẽ gửi má phiếu ưu đãi. Họ đưa ra một mức giá đầy hấp dẫn", má kể. Tuy nhiên, đây là các hoạt động kích cầu nhỏ lẻ, chứ không quy mô và rầm rộ như ngày vía Thần Tài tại Việt Nam - ngày mà người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các chủ tiệm vàng.
Nhẫn bạc truyền thống Indonesia. Ảnh: Tokopedia.
Má càng bất ngờ hơn khi biết có rất nhiều người Việt Nam cùng đổ xô đi mua vàng vào một ngày. "Cảnh tượng như vậy trước giờ má chưa thấy ở Indonesia. Nó có giống ngày hội giảm giá không con?", má tôi đặt câu hỏi nhưng tôi không biết trả lời sao. Ở Indonesia giá vàng được tính bằng hệ gram/ kilogram. Nhưng giống Việt Nam là chia ra hai hệ giá vàng nữ trang và vàng miếng.
Ở lần gặp gỡ đầu tiên, hồi 8 năm trước, tôi bất ngờ khi được ba chủ động bảo tôi lựa một chiếc nhẫn xem như quà tặng làm quen. Đây là món trang sức truyền thống của các nam nhân Indonesia. Nó thường làm bằng bạc và có một viên ngọc đính bên trên. Nó phổ biến đến mức người đàn ông nào tại quốc gia vạn đảo đều đeo nó.