Đây là thông tin được ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel , chia sẻ tại tọa đàm "Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” do Bộ Công Thương và báo điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16-10.
Ông Kiên cho biết Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thanh toán điện tử rất nhanh nhưng “không ăn thua gì” so với thế giới. Ở Việt Nam, 90% giao dịch thanh toán vẫn dùng tiền mặt.
"Hiện nay các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán mới chỉ tập trung vào một số giao dịch cơ bản như chuyển tiền, đóng tiền nước, tiền điện, truyền hình cáp…Với việc sử dụng tài khoản viễn thông, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn thanh toán điện tử trên cả nước. Bởi tài khoản viễn thông có vùng phủ sóng lớn, phù hợp với bối cảnh tỉ lệ tài khoản ngân hàng còn thấp như ở Việt Nam" - ông nói.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, theo ông Kiên, nếu sử dụng tài khoản viễn thông, các giao dịch nhỏ như uống trà đá, vé gửi xe, cà phê… sẽ được thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu đề án Mobile Money được Chính phủ phê duyệt, thị trường này sẽ bùng nổ trong thời gian tới và những lợi ích Mobile Money mang lại rất lớn.
“Chúng tôi sẽ có các giải pháp để bảo vệ an toàn cho người dùng. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư công nghệ, hạ tầng và chính sách ưu đãi, khuyến mãi để tạo thói quen sử dụng cho người dùng” - ông Kiên chia sẻ.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhìn nhận tỉ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước. Đồng thời các mảng phát triển cũng không đồng đều, trong đó thương mại điện tử chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt với hình thức COD (trả tiền khi nhận hàng).
Để giảm tăng tỉ lệ thanh toán điện tử, ông Hải cho rằng điều quan trọng là phải để người dùng thấy được lợi ích của phương thức thanh toán này. Doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm cho người dân. Trải nghiệm, thao tác đơn giản sẽ thu hút đông đảo người dùng.
Còn ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng giao dịch bằng phương thức nào cũng có rủi ro nhất định, chủ yếu do cơ chế giám sát. Do vậy cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có chính sách, cơ chế phòng vệ giám sát rủi ro.