Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 20.9.2018, từ 1.1.2019 sẽ điều chỉnh mức TBVMT từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Tăng TBVMT có khiến lạm phát 2019 “bùng nổ”?
Mặc dù tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ngày 20.9, nhiều ý kiến nhận định: Theo phương pháp tính CPI bình quân thì việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm. Do đó, việc điều chỉnh thuế áp dụng trong tháng 1.2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.
Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4 - 5%. Theo đánh giá nếu điều chỉnh tăng mức TBVMT từ ngày 1.1.2019 sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07 - 0,09%. Như vậy, việc điều chỉnh tăng TBVMT từ ngày 1.1.2019 là đảm bảo tính khả thi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc tăng TBVMT sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc tăng TBVMT đối với xăng dầu lên mức tối đa 4.000 đồng/lít sẽ khiến: Thứ nhất, giá xăng tăng lên, thứ hai là làm cho lạm phát tăng, đặc biệt giá cả thị trường từ những nhu yếu phẩm bình thường nhất như mớ rau, quả trứng đều tăng theo.
Ngoài ra, tất cả các dịch vụ cũng bị tăng giá theo, như vậy sẽ tác động tới đời sống của người dân, nghiêm trọng nhất là đời sống của người nghèo sẽ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Đó là điều chúng ta cần phải xem xét.
“Tôi cho rằng mức tăng 4.000 đồng/lít là quá cao. Lẽ ra cần phải tìm phương án cắt giảm chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách chứ không phải là đánh thuế vào xăng dầu với lý do là thuế môi trường. Tôi mong đợi trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét rất nghiêm túc quyết định này.
Măc dù Bộ Tài chính đề nghị tăng lên đến 8.000 đồng/lít nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ mới chấp thuận tăng 4.000 đồng/lít, nhưng như vậy (4.000 đồng/lít - PV) đã là cao rồi” - TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Giá thành sản xuất tăng đẩy giá tiêu dùng “phi mã”
Theo báo cáo đánh giá tác động bổ sung về dự án nghị quyết TBVMT vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 20.9, Chính phủ khẳng định việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường (TBVMT) áp dụng trong tháng 1.2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.
Theo lý giải, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác như lương thực thực phẩm (quyền số 36,12%) hay nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (quyền số 15,73%).
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu ý kiến: Trong vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu, lý lẽ do Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ là ý kiến của một cơ quan làm chính sách, chưa có sự kiểm chứng của một cơ quan quan độc lập.
Ví dụ giá này tăng thì tác động bao nhiêu phần trăm tới giá cả thị trường, điều này cần một cơ quan độc lập kiểm chứng các số liệu đó. Thực tế kinh nghiệm của tôi cho thấy, có những số liệu các đơn vị làm chính sách đưa ra nhưng khi cơ quan độc lập nghiên cứu thì lại hoàn toàn không chuẩn xác. Xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược cực kỳ quan trọng, có tác động tới toàn bộ nền kinh tế quốc dân từ sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng…
Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá gạo tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá thịt lợn tăng vọt và đang ở mức cao... nếu giá xăng tiếp tục phải cõng thêm 4.000 đồng từ TBVMT thì giá cả chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trong đó, hầu như ngành sản xuất nào cũng bị tác động. Trong đó, đặc biệt là ngành kinh doanh vận tải, thông thường chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% - 40% tổng doanh thu cước vận tải.
Do đó, nếu TBVMT lên xăng dầu tăng lên sẽ đẩy giá dịch vụ vận tải biến động rất lớn. “Với mặt hàng nhạy cảm này cần luôn luôn lưu ý, hết sức hệ trọng khi có sự điều chỉnh” - PGS.TS Ngô Trí Long lập luận và cho rằng, việc tái cơ cấu ngân sách là phải bao gồm cả thu cả chi, chứ không nên chỉ nhằm vào thu.
Thậm chí ngay trong thu cũng phải cải cách việc thu nội, thu ngoại, trực thu, gián thu thế nào cho hợp lý. Đồng thời phải kiểm soát được chi để chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiết kiệm chi - thực chất là tăng thu.
Từ 15h 21.9, giá xăng E5 RON92 đã tăng thêm 320 đồng/ lít và xăng RON95-III đã tăng 293 đồng/ lít so với mức giá cũ. Ngoài ra, dầu diesel 0.05S sẽ tăng thêm 57 đồng/lít, dầu hỏa tăng 124 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S: Tăng 26 đồng/kg. Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức 20.231 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, xăng RON95-III không cao hơn 21.770 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.126 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 16.683 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.942 đồng/kg.
Trước thời điểm 15 giờ 00 ngày 21.9.2018, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex là: 1.930 tỉ đồng. Đây là số ước tính và đã được làm tròn số. Đây là lần thứ 90 xăng dầu được điều hành theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ 1.11.2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 83. (Nguồn:Petrolimex)