Khoảng cuối tháng 6, nhiều mảng rừng nguyên sinh ở Quảng Ngãi, Kon Tum thay màu lá tuyệt đẹp. Đó là lúc trái ươi bắt đầu bay. Người dân đổ xô vào rừng nhặt ươi bán, thu nhập đến tiền triệu mỗi ngày.
Ươi là loài cây khá đặc biệt vì 4 năm mới cho trái một lần. Phần đầu trái ươi có 2 cánh mỏng, khi già sẽ rụng và bay theo gió rất xa. Trái ươi là loại thực phẩm giải nhiệt rất tốt vào mùa hè nên nhiều người ưa chuộng.
Mùa ươi bay, hàng trăm người dân vùng cao vào rừng nhặt ươi kiếm thêm thu nhập.
Trời vừa hửng sáng, vợ chồng anh Đinh Văn Thể (huyện Sơn Tây) đã đến khu rừng nguyên sinh giáp ranh giữa huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Đây là khu vực còn khá nhiều cây ươi 30-40 năm tuổi.
Đứng từ xa vẫn dễ dàng nhận ra những cây ươi cao vút, lá chuyển màu vàng, đỏ nổi bật giữa thảm rừng nguyên sinh. Nhìn thì gần nhưng phải mất hơn 30 phút băng rừng mới tới được những cây ươi đầu tiên, anh Đinh Văn Thể nói và bắt đầu dẫn đường.
Trên đường đi, người đàn ông 40 tuổi vui vẻ chia sẻ về loài cây đặc biệt này. Mấy chục năm trước, cha mẹ anh đã vào rừng nhặt hạt ươi về pha nước uống. Hồi đó, cây ươi còn rất nhiều. Về sau, hạt ươi được nhiều người biết đến nên có giá trị. Vậy là, một số người chặt cả cây hái trái bán cho thương lái.
"Bây giờ mà phá cây ươi là kiểm lâm bắt ngay nên mọi người chỉ nhặt hoặc trèo lên rung. Trước kia nhiều người họ chặt cây để hái trái. Cây ươi phải mất hơn 20 năm mới cho trái mà đến mùa lại bị chặt nên giờ còn rất ít", anh Đinh Văn Thể cho biết.
Vượt dốc, băng rừng khá lâu thì những cây ươi đầu tiên mới hiện ra trước mặt. Những thân ươi cao chót vót chi chít trái. Nhiều cây có thể cao đến 30 m, thân thẳng tắp, trơn tuột nên muốn leo lên rung cành cho trái rụng rất khó khăn.
Cần phải có "đồ nghề", anh Đinh Văn Thể nói và bắt đầu dùng những thân cây nhỏ làm thang. Cái thang rất đơn giản nhưng giúp anh nhanh chóng leo lên được ngọn cây.
Anh ở trên cây rung mạnh, những trái ươi già bắt đầu rụng và xoay tròn trong gió. Dưới đất, chị Đinh Thị Lan - vợ anh, chăm chú theo dõi để đoán vị trí trái ươi "hạ cánh". Cứ thế, chồng rung, vợ nhặt từ sáng sớm đến cuối buổi chiều.
Theo chị Đinh Thị Lan, mùa ươi bay bắt đầu từ đầu tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Có điều phải mất 4 năm cây ươi mới cho trái một lần. Nhu cầu tiêu thụ khá cao nên nhặt được bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu. Chỉ cần mang ra đến cửa rừng là thương lái đã giành nhau mua. Hiện giá ươi dao động từ 190 - 220 nghìn đồng mỗi kg.
"Có ngày nhiều, ngày ít. Cách đây mấy hôm hai vợ chồng nhặt được gần 4 kg. Hôm đó thương lái mua 220 nghìn đồng/kg. Một ngày mà kiếm được nhiều tiền vậy mừng lắm", chị Đinh Thị Lan chia sẻ.
Ươi có giá cao mang về thu nhập khá cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, để nhặt được hạt ươi cũng không đơn giản. Người dân phải đi từ sáng sớm đến gần tối mới ra khỏi rừng. Việc leo trèo lên cây ươi khá cực nhọc, nguy hiểm. Nhiều người đã gặp tai nạn khi trèo ươi.
Những ngày này, dọc tuyến đường Trường Sơn Đông, đâu đâu cũng gặp thương lái lập "chốt" mua ươi. Bà Nguyễn Tú Anh ở TP Quảng Ngãi nhưng đã lên huyện Sơn Tây suốt tuần qua để mua ươi.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, mỗi ngày có hàng trăm người nhặt ươi nhưng cũng có rất nhiều thương lái thu mua. Do đó, mỗi người chỉ có thể mua được khoảng 40-50 kg mỗi ngày. Số ươi này sẽ được phơi cho thật khô, lựa bỏ quả hư hỏng và bán cho người sử dụng ở nhiều tỉnh, thành. Riêng về giá bán khi đến tay người tiêu dùng, bà Nguyễn Tú Anh từ chối tiết lộ.
"Hạt ươi sạch, rất tốt cho sức khỏe. Chỉ cần bỏ vài hạt vào nước là ươi nở ra, sau đó bỏ thêm đường rồi uống. Cái này thanh nhiệt, giải độc nên rất nhiều người sử dụng vào mùa hè", bà Nguyễn Tú Anh nói thêm.
Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học cho biết, hiện nay, rất nhiều người vào rừng tìm ươi. Hạt phải tăng cường 3 kiểm lâm viên xuống địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ rừng ươi.
"Lực lượng kiểm lâm chốt chặn, tuần tra để ngăn chặn người dân chặt phá cây ươi. Mấy năm qua tình trạng chặt cây để thu quả đã chấm dứt", ông Trương Quang Học nói.
(Theo Dân Trí)