Khi những cơn mưa xuân lất phất phủ xuống bốn bề núi rừng thì trên vùng cao Yên Bái, những mầm măng sặt tua tủa mọc lên… Thứ măng ngon ngọt được người dân nơi đây gọi “lộc rừng" đã góp thêm một phần thu nhập trong mùa giáp hạt.
Phụ nữ người Thái bán măng sặt ở chợ Mường Lò.
|
Để có được những ngọn măng non và ngon nhất, bà con người Thái, người Dao, người Khơ Mú dùng cuốc, thuổng đào sâu xuống đất, lấy những ngọn măng chưa kịp nhú lên mang về chế biến hoặc mang ra chợ bán. Những ngọn lấm đất, lớp vỏ thô cứng khi bóc ra trắng ngần, non mơn mởn, vị ngọt, tính lành.
Tại chợ Mường Lò, chợ truyền thống lớn nhất tỉnh Yên Bái, mỗi cân măng sặt khoảng 20.000 đồng, măng đã bóc vỏ khoảng 60.000 đồng. Trước đây, thường chỉ có bà con các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ yêu thích món măng này, nhưng vài năm gần đây măng sặt được vận chuyển nhiều đi thành phố Yên Bái, về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.
Anh Bàn Văn Lý, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết: "Hàng ngày tôi vào trong rừng mua hơn 1 tạ, mang về bán lãi được khoảng 500.000 đồng. Số tiền ấy thì cũng đủ chi tiêu".
Sau lớp vỏ cứng dày là ruột năng non trắng nõn. |
|
Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món măng sặt ninh xương sườn. Măng sặt được bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn cho nhừ, cho thêm tỏi, cà chua, rau thơm, vô cùng thơm ngon, ăn mãi không chán...
Món ngon nữa là món luộc, món này rất đơn giản, chỉ cần cho măng vào nồi, luộc 15 phút là chín. Gia vị chấm gồm muối ớt, kèm theo hạt mắc khén và tỏi.
Mỗi ngày người phụ nữ này lãi khoảng 300.000 đồng từ việc mua bán măng sặt. |
Bà Bùi Thị Tươi, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi rất thích vị của món măng này, khi ăn vào, độ ngọt mình cảm nhận được là rất ngon".
Trước đây, măng sặt mọc tự nhiên. Gần đây, nhận thấy không chỉ người dân địa phương mà cả người dân các tỉnh miền xuôi cũng rất thích măng sặt, đồng bào vùng cao Yên Bái đã mở rộng diện tích trồng loại cây này. Vào chính vụ từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, mỗi ngày từ Mường Lò khoảng 5 tấn măng được mang đi tiêu thụ, đem về khoản thu 600 - 700 triệu đồng cho bà con nơi đây, một khoản thu nhập không nhỏ cho người nông dân vùng cao trong mùa giáp hạt./.