Nhiều cửa hàng trên phố Chùa Bộc đã phải chuyển đi do kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng cũng không ít người mới đến tìm cơ hội.
Tuyến phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) lúc 17h đi từ Đại học Thuỷ Lợi đến phố Phạm Ngọc Thạch không tắc như mọi khi, xe máy không phải đi trên vỉa hè. Nhiều cửa hàng mở theo chuỗi đã đóng cửa, treo biển tạm nghỉ, sang nhượng, chuyển cửa hàng vì dịch.
Tuy nhiên, đoạn đường 700 m nơi đây cũng nhanh chóng có trên dưới 10 cửa hàng mới chuyển tới, một số đang gấp rút hoàn thiện nội thất, chuẩn bị khai trương.
Tuyến phố Chùa Bộc. Ảnh: Việt Linh. |
Chủ nhà muốn giữ, chủ shop muốn đi
Hết tháng này là đáo hạn hợp đồng thuê nhà tại cơ sở Chùa Bộc, nhưng công ty chị Ánh quyết định không thuê thêm và sẽ chuyển hết hàng về kho gần Thiên đường Bảo Sơn. Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh của cửa hàng trở nên khó khăn, ế ẩm.
Chị Ánh (quản lý cửa hàng) cũng đã phải treo biển sang nhượng phía ngoài, bên cạnh quảng cáo cho thuê của chủ nhà với mong muốn “vớt vát” 40 triệu đồng tiền nội thất cố định. Căn nhà mà công ty chị Ánh thuê để bán giày gồm 4 tầng, mặt tiền 2,8 m, dài 12 m, giá thuê 45 triệu đồng/tháng.
Thực tế, nhiều người đã gọi điện, thậm chí đến cửa hàng xem, nhưng chốt thì chưa. Có khách nói thời điểm này, 45 triệu đồng/tháng dễ dàng tìm được nhà “tốt hơn” trên cùng tuyến phố, có người thì chối vì cho rằng không dùng hết diện tích 4 mặt sàn,…
“Cửa hàng chúng tôi thuê ở đây đã được 2 năm rồi, rất muốn tiếp tục nhưng không thể. Sắp tới, có thể công ty sẽ tìm một địa chỉ khác có mặt tiền rộng hơn”, chị Ánh nói.
Nhiều cửa hàng trên phố Chùa Bộc đóng cửa, treo biển chuyển cửa hàng, sang nhượng, tạm nghỉ. Ảnh: Văn Hưng. |
Cũng theo nữ quản lý này, chủ nhà rất muốn giữ khách thuê ở lại vì trước giờ không xảy ra mâu thuẫn gì, đặc biệt trong chuyện tiền nong; thậm chí còn hứa sang tháng 4 sẽ điều chỉnh lại giá thuê, nhưng không thuyết phục được phía công ty.
Chủ nhà là cô Huyền thì chia sẻ khá tiếc khi để cửa hàng giày của chị Ánh chuyển đi. Cô sẽ phải tìm khách thuê mới, điều mà theo cô từ trước tới nay “không bao giờ thiếu, chỉ cần khách nhảy ra là có người nhảy vào ngay”.
“Đáng lẽ ra giá thuê giờ phải lên 50 triệu đồng/tháng, nhưng mất 1-2 tháng dịch bệnh vắng khách nên tôi lấy giá cuối cùng là 40 triệu đồng/tháng. Nếu thiện chí thì có thể thương thảo thêm”, cô Huyền nói với một khách đến hỏi thuê nhà.
Câu chuyện giữa cô Huyền và chị Ánh, giữa chủ nhà và khách thuê xuất hiện nhiều trên phố Chùa Bộc và ở những tuyến phố thời trang khác tại Hà Nội thời gian gần đây. Trong khi chủ nhà sẵn sàng giảm giá để giữ khách thuê ở lại, chủ shop lại muốn dời đi vì doanh thu sụt giảm.
Không thiếu người mới chuyển đến tìm cơ hội
Khi nhiều chủ shop chuyển đi, N. và T. lại quyết định hùn vốn thuê lại địa chỉ từng là cơ sở của một thương hiệu thời trang nổi tiếng. Trên phố Chùa Bộc lúc này còn có 3 cửa hàng nữa đang hoàn thiện nội thất, chuẩn bị khai trương.
Shop bán quần áo, phụ kiện của N. và T. nằm phía đối diện Học viện Ngân hàng, cách cổng trường chừng 70 m. Căn nhà cho thuê có 5 tầng, mặt tiền 3,5 m, N. và T. thuê 2 tầng dưới với giá 38 triệu đồng/tháng (bằng giá thuê của người trước).
T. cho rằng đây là thời điểm mạo hiểm, nhưng thích hợp để có thể sở hữu một mặt bằng đẹp mà trước đây “có tiền cũng không thể thuê được”. Cô và bạn đã vạch ra các phương án, chiến lược kinh doanh sắp tới, trong đó có tính đến trường hợp dịch bệnh kéo dài, làm ăn thua lỗ và thậm chí phải đóng cửa.
“Nhiều người thân, bạn bè nói tôi dại thế, kinh doanh gì tầm này. Tôi chờ cơ hội khi dịch bệnh qua đi”, T. nói.
Một cửa hàng đang lắp biển hiệu, chuẩn bị khai trương trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Văn Hưng. |
Trên phố Chùa Bộc lúc này thường xuất hiện Hiếu, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội. Hiếu rảo quanh tuyến phố một vòng rồi vào từng cửa hàng mới chuyển đến hoặc đang sửa chữa để tư vấn lắp đặt Internet, mạng wifi.
Từ khi nhà trường thông báo nghỉ học, Hiếu làm thêm công việc này. Hôm nay, sếp bảo cậu qua đây vì nhận thấy nhiều người kinh doanh mới rục rịch chuyển tới.
Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh cho rằng những cửa hàng phải trả mặt bằng giai đoạn này thường có vốn yếu, cầm cự không nổi. Một số đơn vị kinh doanh có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, dài hạn hơn thì tranh thủ tái cơ cấu khi nhìn thấy cơ hội.
Với người đi thuê mới, họ dễ dàng thương thảo với chủ nhà về giá thuê. Hơn nữa, chưa bao giờ đi thuê lại có nhiều lựa chọn như bây giờ. Trước đây, nhu cầu đi thuê luôn cao hơn nguồn cung.
“Tùy thuộc vào nguồn lực tài chính và chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp đi thuê đánh giá đây có phải là cơ hội cho họ hay không. Trong khủng hoảng, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách co cụm lại để phòng thủ, tuy nhiên, một số xem đây là cơ hội nghìn năm có một để bung ra”, ông Chánh nhận định.
(Theo Zing)