Ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ là người đã đưa tỷ phú của đất nước Phật Giáo về tổ chức đám cưới tại hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp. Nhờ đám cưới này, nhiều bạn bè quốc tế biết đến điểm du lịch Phú Quốc – hòn đảo sở hữu thiên nhiên đẹp như những kỳ quan, nơi vô cùng thích hợp để tổ chức những sự kiện hoành tráng mà riêng tư.
Trong hội thảo mới đây, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã phân tích, chia sẻ góc nhìn về mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Mối quan hệ thủy chung, son sắt của Ấn Độ và Việt Nam
Xét về quy mô dân số, Việt Nam có số dân bằng 1/14 Ấn Độ và 1/10 về diện tích nhưng có 2.000 năm gắn kết với nhau.
Hai nước có điểm tương đồng về Phật Giáo, tâm linh. Phật Giáo của Ấn Độ vào Việt Nam sớm nhất bằng con đường hàng hải, sau đó mới vào Việt Nam bằng con đường Trung Quốc.
Ấn Độ - Việt Nam có mối quan hệ thủy chung, son sắt. Lúc khó khăn nhất, Việt Nam cũng có bạn bè Ấn Độ ở bên. Thủ tướng của Ấn Độ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã đến thăm Ấn Độ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói về mối quan hệ giữa hai quốc gia "trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây".
Trong quá khứ, Việt Nam từng có mối quan hệ không tốt lắm với một số cường quốc lớn nhưng riêng với Ấn Độ thì hai quốc gia luôn có lịch sử rất tốt đẹp. Hiện hai nước là đối tác chiến lược toàn diện và có lợi ích song trung về nhiều vấn đề như an ninh, chủ quyền…. Việt Nam xác định Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện và Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách Hướng Đông của mình.
Đó là những điều thường được nhắc đến trong mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ này có nhiều "bùng nổ".
"Việt Nam - Ấn Độ được nói nhiều trong các thời điểm khác nhau nhưng thường chỉ ở góc độ tình cảm", Đại sứ Phạm Sanh Châu nói. Nhưng giờ, mối quan hệ đã có nhiều điểm mới.
Thứ nhất, kim ngạch hai bên bùng nổ với 12,7 tỷ USD. Linh kiện điện thoại được xuất khẩu hàng tỷ USD sang Ấn Độ và Việt Nam cũng nhập rất nhiều từ Ấn Độ.
Thứ hai, trước kia bay sang Ấn Độ phải rất vất vả, mất cả ngày nhưng giờ chỉ có 3,5 giờ là từ Hà Nội có thể sang được Ấn Độ.
Thứ ba, sự hiểu biết giữa hai quốc gia tăng lên rất mạnh. Người Việt hiện giờ không chỉ nhắc đến Ấn Độ là đất Phật nữa, không chỉ đa dạng về văn hóa mà là cường quốc kinh tế, sắp đứng thứ 5 thế giới chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
Đám cưới của tỷ phú Ấn Độ tại hòn đảo Phú Quốc.
"Mãi đến đám cưới tỉ phú Ấn Độ ở Phú Quốc thì chúng ta mới òa ra rằng Ấn Độ hoàng tráng, ăn chơi. Trước đây, nhiều người chỉ nghĩ đến tiểu bang nghèo nhất, nơi Đức Phật đắc đạo. Nhiều người hành hương tới bang đó rồi nhận định Ấn Độ nghèo. Nhưng biết đâu rằng Ấn Độ có rất nhiều bang khác", Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Đại sứ cho rằng nhận định đã thay đổi. Đến nay, người ta không chỉ nhìn nhận Ấn Độ là nơi huyền bí mà là cường quốc hàng đầu, có quyền quyết định xem ngả vào cán cân bên nào thì sẽ có sự thay đổi và là nền kinh tế mà các nước muốn bán hàng sang.
Thứ tư, cơ chế hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngày càng đa dạng phong phú. Lãnh đạo hai nước thăm nhau thường xuyên. "Giống như gia đình, năng đi lại thăm ai thì phải thân mới thăm", Đại sứ Phạm Sanh Châu ví von.
Những tiềm năng của Ấn Độ để Việt Nam có thể khai thác
Thứ nhất, Ấn Độ cung cấp nguồn tài chính tín dụng. Những người quản lý các quỹ nổi tiếng bao gồm rất nhiều người gốc Ấn Độ. Lực lượng tinh túy Ấn Độ đang quản lý tài sản lớn.
Thứ hai, Ấn Độ có những công nghệ xuất sắc. Cụ thể, người dân Ấn đều có tài khoản số. Khi mua rau, mua kem, họ cũng quẹt thẻ. Các nguồn như phóng xạ, chiếu xạ, Việt Nam phải nhập từ Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ có nguồn nhân sự chất lượng cao như phi công, bác sĩ, kỹ sư…. Cụ thể, VietJet Air tuyển rất nhiều phi công người Ấn Độ.
Thứ tư, thị trường Ấn Độ rất lớn với 1,4 tỷ người. Đó là mảnh đất mênh mông mà ít người biết đến. Thị trường ấy cũng xuất rất nhiều nhôm, cao su, thủy sản, bông, vải sợi…những thứ mà Việt Nam cần để chế biến cho các sản phẩm xuất khẩu.
Theo đại sứ Phạm Sanh Châu, tìm cảm hai quốc gia đã tồn tại lâu dài nhưng về chuyện "làm ăn" thì chưa va chạm nhiều. Thị trường Ấn Độ cũng có những khó khăn mà doanh nghiệp Việt cần hiểu.
Văn hóa của Ấn Độ khác Việt Nam và Ấn Độ có chính sách tự lực tự cường, nền kinh tế ít mở, ít tham gia các hiệp định thương mại tự do. Lý do vì quy mô kinh tế của họ lớn và họ muốn tận dụng tiềm năng nội địa. Quốc gia này cũng kiểm soát các mặt hàng rất chặt chẽ. Ví dụ, khi số lượng một mặt hàng nào đó từ Việt Nam tăng đột biến, họ sẽ tìm hiểu…
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng đánh giá, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong hợp tác với Ấn Độ vì:
Thứ nhất, tình cảm tốt đẹp sẵn có giữa hai quốc gia là một điểm cộng. Ấn Độ có nguyên tắc nhưng khá linh hoạt. Do đó, doanh nghiệp Việt đến đầu tư ở Ấn Độ phải trình bày có tình có lý.
Thứ hai, hai quốc gia có sự gắn kết về văn hóa. Việt Nam có tương đồng về tôn giáo, tương đồng về chiến lược, về đấu tranh giành độc lập trong lịch sự.… Do đó, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực. Đáp lại, Việt Nam luôn trân trọng những giá trị lịch sử ấy.