Công ty là một tập hợp người
Theo vị tỷ phú này, tìm ra người tài, quản lý họ, truyền cảm hứng cho họ và sau đó giữ họ lại là một trong những thử thách quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt. Sự thành bại của bạn trong việc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành công và sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
"Một công ty còn là gì khác ngoài một tập hợp người?", Richard Branson đặt câu hỏi. Ông lấy một hãng hàng không làm ví dụ – máy bay của nó gần như không khác gì của đối thủ; nội thất giống nhau và thường thì chỉ có sự khác biệt không đáng kể về dịch vụ giải trí và đồ ăn.
Thứ khiến một hãng hàng không trở nên khác biệt so với các đối thủ là đội ngũ của nó (hay còn gọi là phi hành đoàn) và thái độ của họ đối với hành khách. Như tại Virgin, thi hành đoàn luôn tươi cười, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ – những điều khiến hành khách muốn quay trở lại sử dụng dịch vụ của ông một lần nữa.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi, giống như Virgin Atlantic, hãng hàng không sinh ra trước nó, chuyên khai thác các đường bay nội địa tại Mỹ, Virgin America, liên tục "càn quét" các giải thưởng trong ngành du lịch về dịch vụ và chất lượng. Máy bay của hãng này mới, nội thất và các loại hình giải trí tuyệt vời; nhưng trên hết, chính dịch vụ tuyệt vời của phi hành đoàn đã khiến nó giành được rất nhiều tán thưởng nhiệt liệt.
Con người là tài sản vô giá, khi là các cấp cao nhất trong doanh nghiệp, họ có thể làm nên hoặc hủy hoại một tổ chức. Richard Branson vẫn thường nhắc nhở các quản lý của mình cũng như các doanh nhân tiềm năng khác rằng niềm kiêu hãnh đích thực về doanh nghiệp sẽ tạo nên mọi sự khác biệt.
Ngay cả những người giỏi nhất cũng cần đến khả năng lãnh đạo tuyệt vời. Một lãnh đạo giỏi phải hiểu đội ngũ của mình, biết điểm mạnh và điểm yếu của họ; lắng nghe trực tiếp và giao tiếp với họ cũng rất quan trọng. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người bỏ việc là bởi họ không được lắng nghe. Vấn đề hiếm khi chỉ vì tiền mà thường là sự ức chế.
Một lãnh đạo tồi có thể nhanh chóng hủy hoại doanh nghiệp – một điều rất dễ thấy trong các doanh nghiệp nhỏ. Trên hòn đảo Necker của Richard Branson ở vùng Caribe, ông từng có một giám đốc mới, luôn cố thay đổi cách thực thi mọi việc. Trong đó, ông ta không cho phép nhân viên xã giao với khách bằng cách thỉnh thoảng uống vài ly. Điều này nhanh chóng làm hỏng bầu không khí thân thiện của hòn đảo. Tỷ phú này cùng đội ngũ của mình đã phải can thiệp bằng cách thay thế người quản lý này và xốc lại tinh thần làm việc của nhân viên, cũng như ý thức về niềm tin của ban quản lý vào họ, thứ đã bị sứt mẻ qua sự việc trên.
Hãy cho họ niềm tin
Một vài doanh nghiệp thành công nhất của Virgin cũng được thành lập sau khi người lãnh đạo quản lý trực tiếp đưa ra ý tưởng và thuyết trình về chúng. Ví dụ, Virgin Blue, một hãng hàng không của Virgin tại Úc (hiện được biết đến với cái tên Virgin Australia), là đứa con tinh thần của Brett Godfrey, một người Úc làm việc cho Virgin tại Brussels.
Với phong cách "rất Úc", nhà quản lý này đã đến gặp Richard Branson với bản kế hoạch kinh doanh – được viết trên một miếng bìa lót cốc bia – phác thảo việc thành lập một hãng hàng không nội địa giá rẻ ở Úc để cạnh tranh với Qantas và Ansett. Trong suốt cả thập kỷ sau đó, Brett đã mở rộng Virgin Australia và các hãng hàng không chị em của nó đến Mỹ, New Zealand, Thái Lan và Bali.
Trong những trường hợp khác, tập đoàn Virgin và Richard Branson đã hỗ trợ một đội ngũ bên ngoài khi họ gây ấn tượng đủ khiến tập đoàn trao cho họ lợi thế thương hiệu và không gian để tự gây dựng doanh nghiệp mới. Virgin Active, chuỗi câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe là một ví dụ điển hình khác. Matthew Bucknall và Frank Reed đã đến gặp Richard Branson với ý tưởng về một câu lạc bộ thể hình và chăm sóc sức khỏe phù hợp cho gia đình vào năm 1999. Họ đã thành lập và bán một chuỗi tại Anh trong những năm 1990 và muốn làm lại một lần nữa với thương hiệu Virgin.
Tỷ phú Branson thích ý tưởng này cũng như đội ngũ quản lý, vì vậy Virgin đã hỗ trợ họ một buổi giới thiệu sản phẩm tại Anh, và trong vòng hai năm, tập đoàn này đã được chính tổng thống Nelson Mandela đề nghị cứu một chuỗi ở Nam Phi. Đội Active đã nắm ngay lấy cơ hội và cứ thế tiến bước từ đó.
Niềm tin là khía cạnh mấu chốt của mọi doanh nghiệp, nhưng theo Richard Branson cách bạn ứng phó với việc bị làm thất vọng cũng góp phần vào thành công. Bạn có sẵn lòng cho mọi người cơ hội thứ hai không?
Khi Richard Branson còn điều hành Virgin Records, một thành viên trong đội tìm kiếm tài năng đã ăn cắp và bán các hộp đĩa cho những cửa hàng đồ cũ địa phương. Khi biết sự việc, ông đã hỏi anh ta về điều đó. Anh ta thừa nhận tất cả. Thay vì sa thải, ông đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc và cho anh ta cơ hội thứ hai.
"Ai cũng từng mắc sai lầm và tôi mong anh ta học hỏi được từ sai lầm của mình, quay trở lại làm những việc anh ta giỏi nhất – tìm kiếm các nghệ sĩ", Richard Branson nói. Anh ta đã rất nỗ lực và phát hiện ra Culture Club, một trong những ban nhạc bán được nhiều đĩa nhất của công ty trong những năm 1980.
"Tất cả chúng ta đều vấp ngã ở đâu đó trên con đường sự nghiệp của mình. Tôi cũng thế", Richard Branson nhớ lại. Khi chỉ là một cậu choai choai, ông đã từng gặp rắc rối với hải quan Anh khi tìm cách tuồn đĩa hát miễn thuế ra nước ngoài. Richard Branson đã không bị ghi "có tiền án, tiền sự" vào lý lịch nhờ nộp tiền phạt và được trao cơ hội thứ hai. Ông cho rằng điều này đã giúp mình dễ chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm của những người khác hơn.