Lào Cai năm 2011, Đào Hữu Duy Anh tốt nghiệp Thạc sỹ Hoá học tại đại học Cambridge về nước, tay đeo đồng hồ Hublot, lái con Mercedes S500 từ Hà Nội lên Lào Cai làm việc cho công ty gia đình, CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã DGC - HSX).
Trước khi đi học, Duy Anh đã "được" bố là ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty cho sang nhà máy tại quận Long Biên, Hà Nội làm công nhân xây dựng, khi về nước thì được làm trợ lý Tổng giám đốc và 2 năm sau làm Phó Tổng giám đốc công ty hoá chất ở tuổi 25.
Sau 6 năm giữ vai trò Phó Tổng giám đốc, đầu năm 2020, Đào Hữu Duy Anh chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc CTCP Hoá chất Đức Giang. Năm nay, ở tuổi 33, giá trị cổ phiếu Duy Anh đang nắm giữ khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Trước tác động của Covid-19, DGC vượt bão, năm 2020 lần đầu tiên công ty gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ.
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Hoá chất Đức Giang vào một buổi chiều giáp Tết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở miền Bắc.
Năm vừa qua Hoá chất Đức Giang lần đầu tiên chạm mốc 1.000 tỷ mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành lập, vậy nhìn lại năm 2020 công ty đã "được" hưởng lợi từ Covid-19?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Thực ra năm 2020 rất khó khăn chứ không hẳn công ty hoá chất nào cũng được lợi từ Covid-19. Đầu năm nhu cầu hàng hoá kém nên giá cả các loại hàng hoá bị xuống thấp, năm 2019 khi giá xuống thấp quyết tâm giữ giá cao để đảm bảo mức lợi nhuận cao hơn tuy nhiên năm 2020 Đức Giang thay đổi chính sách bán hàng, đặc biệt là mặt hàng phốt pho vàng để đảm bảo có lãi nên doanh thu tăng lên rất nhiều.
Nửa sau 2020, giá các sản phẩm đều tăng, không phải do Covid mà do mọi thứ phục hồi, nhu cầu tăng trở lại nên mình bán tốt. Do đó, nếu bảo là Đức Giang hưởng lợi từ Covid thì không đúng, mà khó khăn rất nhiều. Có lúc nhà máy của khách hàng tại Ý và Ấn Độ bị dừng sản xuất do cách ly thì bán hàng khó khăn (tỷ lệ xuất khẩu tại Đức Giang chiếm 80% doanh thu), đến cuối năm 2020 thì xuất hàng lại gặp vấn đề vì thiếu vỏ container rỗng (như báo chí đã đưa tin). Chúng tôi đã phải phải chấp nhận trả phí vận chuyển gấp 3,4 thậm chí 5 lần để xuất được hàng. Mặc dù vậy, khách hàng chấp nhận tăng giá theo vì họ biết điều này là bất khả kháng.
Năm qua, Đức Giang đã điều chế thành công CloraminB, chất phun khử khuẩn mà trước đó Việt Nam phải nhập khẩu 100%, điều này đóng góp vào kết quả kinh doanh của DGC như thế nào?
Việc điều chế thành công Cloramin-B giúp cho DGC có một sản phẩm mới giá trị rất cao, giá bán trên thị trường hiện nay là 200k/kg. Tuy nhiên khi chạy full công suất thì doanh số chỉ đạt khoảng 200 tỷ/năm so với tổng doanh thu hơn 6.000 tỷ/năm hiện tại, nhưng tỷ suất lợi nhuận khá tốt.
Tuy nhiên, công ty vẫn rất tự hào khẳng định thương hiệu của mình, với khả năng nghiên cứu và phát triển của DGC khi Tổ quốc cần Đức Giang có thể sản xuất ngay được các chất nhu cầu cao.
Một điểm nữa là việc sản xuất Cloramin-B có ý nghĩa quan trọng với nhà máy Đức Giang Hưng Yên, nhà máy này được xây dựng 2 năm nay chủ yếu sản xuất mặt hàng bột giặt, mặt hàng này những năm gần đây chậm, khi sản xuất hàng giá trị cao như Cloramin B sẽ giúp nhà máy Hưng Yên hoạt động tốt hơn.
Đức Giang vừa thành lập công ty bất động sản quy mô 500 tỷ, công ty muốn trở thành công ty đầu tư đa ngành sao?
Đức Giang thai nghén làm bất động sản từ 5-6 năm nay, bởi vì khu đất là nhà máy tại Long Biên rộng khoảng 5,4 ha, UBND thành phố Hà Nội khuyến khích các nhà máy di đời khỏi trung tâm nên mảnh đất này công ty chuyển đổi làm chung cư, nhà liền kề và trường học. Đức Giang không muốn làm bất động sản nhưng khu đất sạch nên quyết tâm làm. Nhà máy đã di chuyển từ Hà Nội về Hưng Yên, xây xong 2 năm nay.
Kế hoạch của DGG năm tới ra sao?
Năm 2020, Đức Giang sẽ cố gắng tăng trưởng doanh thu khoảng 25% bằng việc đẩy mạnh doanh thu của các sản phẩm hiện có như phốt pho vàng và các loại phân bón. Ngoài BĐS, công ty sẽ tập trung vào xây dựng dự án Đức Giang Nghi Sơn, ở thị xã Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, đây là nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm xút và các hợp chất Clo, javen…là các chất diệt khuẩn. Bên cạnh đó, nghiên cứu dự án nhiệt điện 110MW trước tình hình điện ngày càng khan hiếm.
Năm 2017 là thời điểm DGC hợp nhất công ty hoá chất Đức Giang Lào Cai
Đi du học ở Cambridge, lái xe chục tỷ, những người trẻ đi học ở nước ngoài về thường sẽ thích làm những thứ bóng bẩy như ngành tài chính hay startup gì đó, Duy Anh chọn về làm công ty hoá chất ở Lào Cai, cuộc sống như vậy có bị gò bó không?
Tôi lớn lên trong môi trường hoá chất, là đời thứ 3 làm việc cho hoá chất Đức Giang trong gia đình từ bà ngoại, bố. Đó là nghiệp của gia đình. Từ bé đến lớn chưa nghĩ làm gì khác. Xung quanh gia đình cuộc sống đều xoay quanh hoá chất, bữa cơm cũng nói chuyện về hoá chất, từ bé nhà bán hoá chất ở tầng 1, tầng 2, còn gia đình tôi ở tầng 3, tầng 4, lúc nào cũng ở cạnh hoá chất. Đến khi đi học ở UK về gia đình mới mua nhà tách khỏi công ty. Đó là cuộc sống của mình rồi, không bao giờ thấy gò bó khi làm công việc này.
Ảnh: Nhật Minh
Trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp phát triển quá nhanh, lớp sáng lập đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng lớp F1 lại chưa trưởng thành. Ở Hoá chất Đức Giang, Duy Anh được đặt lên ngồi ở vị trí Phó Tổng giám đốc ở tuổi 25 rồi đến Tổng giám đốc ở tuổi 32 điều này có bị ngợp không?
Từ bé đến lớn tôi được đào tạo giáo dục để sau này kế nghiệp gia đình. Cấp 2 học Hoá, cấp 3 học Chuyên hoá Tổng hợp, sang Anh học Thạc sỹ Hoá, về mặt kỹ thuật là được nuôi từ bé, chứng kiến cách điều chế, phản ứng hoá học, kinh doanh buôn bán hoá chất.
Trước khi đi du học, bố "bắt" tôi đến công trường làm công nhân xây dựng, sau đó lên làm kỹ sư vận hành dây chuyền, đến lúc đi học về được làm trợ lý Tổng giám đốc (cho bố). Lúc đó phải thâu tóm dần dần công việc, sau 2 năm làm Phó tổng giám đốc, bố để cho được quyết công việc xuất nhập khẩu, cùng với mọi người đưa ra ý kiến xây dựng nhà máy.
Tôi ở Đức Giang hơn 10 năm, tham gia 6-7 dự án nhà máy hoá chất. Trong quá trình đó, tôi được đưa ý kiến về lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, nhà thầu, trang thiết bị vận hành rồi đến lúc chạy thử nhà máy như thế nào. Tôi đã học được rất nhiều trong qúa trình làm dự án.
Đức Giang phát triển bền vững không làm quá nhanh quá nóng, bởi ngành kỹ thuật không làm như thế được. Ban đầu làm dự án nhỏ, sau đó lên dự án 1.800 – 2000 tỷ, mình không bị choáng ngợp bởi mình được lớn một cách tự nhiên.
Trong quá trình đó, tôi học được rất nhiều từ bố, học từ anh em trong đội ngũ kỹ thuật, họ là những người có kinh nghiệm, họ làm những dự án trước mình rồi, thì mình tranh thủ mình học. Cộng thêm mình phụ trách việc xuất nhập khẩu nên hay nói chuyện với khách nước ngoài nhiều. Họ có kinh nghiệm vận hành các nhà máy trên thế giới và nắm bắt xu thế nên tôi học được rất nhiều.
Nhưng vận hành một nhà máy hoá chất không hề đơn giản, bởi điều này không cho phép phạm sai lầm?
Đúng, làm hoá chất sẽ khác hẳn startup. Phải lo thiết bị tốt để nhà máy chạy ổn định, nguyên liệu đầu vào, làm sao sản xuất được hàng, chốt được deal thì làm sao tàu bè đến đúng hạn, xuất khẩu cho yên ổn, rồi thanh toán như thế nào, đi vay tiền ở đâu, tiền gửi như thế nào…Vận hành nhà máy hoá chất vô cùng phức tạp, ti tỉ thứ như con mọn. Như hôm nay là đang lo tàu nguyên liệu mấy triệu USD vào đến Quảng Ninh làm thế nào vận chuyển lên Lào Cai. Nói chung, trong đầu lúc nào cũng lo, sống chung với lũ nó quen rồi nên việc làm ở Đức Giang là tự nhiên, có những ngày ký deal 5-6 triệu USD thấy rất bình thường, ngày nào cũng phải ký, doanh thu 6.000 tỷ thì ngày nào cũng triệu USD rồi (cười).
Được lớn lên trong môi trường hoá chất từ bé, Duy Anh học được điều gì từ cha mình để có thể đứng vững ngày hôm nay?
Tôi học được từ cha mình niềm đam mê với hoá chất và sự thận trọng trong kinh doanh. Cái đấy không phải ai cũng có được, cha tôi 65 tuổi nhưng vẫn rất đam mê với ngành hoá chất và mang nhiều ước vọng cho Đức Giang nói riêng và muốn cho ngành hoá chất của Việt Nam phát triển hơn. Ngành hoá chất VN gần như là con số 0, chúng tôi muốn góp sức để thay đổi nền hoá chất Việt Nam.
Vậy tầm nhìn của Đức Giang trong các năm tới là gì?
Mình cố gắng tận dụng tốt tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở VN để sản xuất ra các sản phẩm cần thiết. Hiện nay Đức Giang vẫn xuất khẩu là chính, nhưng nhà máy Nghi Sơn sẽ hướng đến thị trường nội địa, Đức Giang sẽ góp phần giúp nền công nghiệp hoá chất của VN tự chủ hơn, không phụ thuộc vào nhập khẩu, hiện nay 95% hoá chất VN phải nhập khẩu.
CloraminB ở thời điểm bùng dịch tháng 4/2020, có lúc giá một cân lên tới hơn 500.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường chỉ 200.000 đồng/kg, lúc đó không có hàng để mà mua, rất may đợt này Đức Giang sản xuất thành công nên giá cả không bị tăng nhiều như vậy.
Duy Anh quản trị công ty như thế nào để các nhân viên bên dưới lắng nghe?
Đầu tiên là kỹ trị, phải nắm rõ kỹ thuật, thì mới nói những người ở dưới, vì các giám đốc nhà máy đều là nhân tài cả. Họ là các bạn đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế, có bạn là tiến sỹ hoá học Cambridge, kỹ sư Bách Khoa…là những người đầu ngành về kỹ thuật, mình phải nắm chắc kỹ thuật, nói không sai thì người khác mới nghe được.
Thứ hai là nhân trị, nhân viên là những người trong gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của họ vì họ cống hiến hết mình cho công ty.
Đối với tôi, nhân trị và kỹ trị là hai yếu tố hàng đầu, nhưng cũng không thể thiếu pháp trị. Sai phạm phải bị xử lý theo quy định để không ảnh hưởng đến công ty, nhưng pháp trị là yếu tố cuối cùng phải xử lý.
Có vẻ như Đức Giang hoạt động giống như một công ty gia đình, công ty có mở cửa cho các quỹ đầu tư nước ngoài để vào quản trị cùng không?
Nói Đức Giang quản trị gia đình thì không đúng lắm vì đã là một công ty niêm yết trên sàn. Các giám đốc nhà máy không phải là người của gia đình đâu, chỉ có Chủ tịch và TGĐ là người gia đình thôi (cười). Đúng là Đức Giang chưa có cổ đông lớn tham gia điều hành, trong tương lai có thể thay đổi.
Tôi đã từng làm việc với các quỹ của Nhật hay nước ngoài, họ không muốn can thiệp vào điều hành công ty. Họ muốn mua cổ phiếu DGC, họ tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo của ĐG rồi. Trong các điều khoản đang thảo luận họ yêu cầu 2 ông họ Đào ko được bỏ công ty, ít nhất là 5 năm. (cười).
Năm mới, nếu muốn gửi một thông điệp đến nhà đầu tư và nhân viên, Duy Anh sẽ nói gì?
Chỉ mong các nhà đầu tư bình tĩnh trước đợt bán tháo cổ phiếu như trước Tết, bởi Covid không ảnh hưởng nhiều đến Đức Giang thậm chí một số điều tích cực hơn. Chủ tịch HĐQT cũng đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, ngắn hạn 2021 tôi thấy là rất là tốt. Có những kế hoạch dài hơi hơn để đưa vốn hoá lên 1 tỷ USD và doanh thu 10.000 tỷ trong 5 năm tới.
Với nhân viên, tôi muốn gửi lời cảm ơn sự đóng góp của toàn bộ nhân viên trong năm qua và mười mấy năm cổ phần hoá đã giúp công ty đạt được đỉnh cao mới, chúc anh chị em cùng đoàn kết sáng tạo đưa công ty cao hơn.
Vậy góc nhìn của Duy Anh về cuộc chiến chống Covid của Việt Nam thế nào?
Tôi thấy Chính phủ làm rất tốt, khống chế dịch rất nhanh làm cho người dân yên tâm. Trong suốt năm vừa qua Đức Giang không phải dừng nhà máy lần nào do Covi, hoạt động sản xuất diễn ra xuyên suốt. Điều này rất hiếm với các nhà máy hoá chất trên thế giới vì năm qua các đối tác của ĐG đều phải dừng sản xuất một thời gian nhất định.
Xin cảm ơn ông.