Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng xoay xở để có thể ký kết thỏa thuận trong tháng 11 nhằm ngăn chặn các đợt tăng thuế mới đối với hàng hóa của đối phương. Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Washington và Bắc Kinh có lẽ không đủ để cải thiện tình trạng ảm đạm của ngành thép, bởi thuế trừng phạt của Tổng thống Donald Trump đối với thép và hàng hóa sản xuất của Trung Quốc có thể vẫn được giữ nguyên.
"Bên cạnh hàng rào thuế quan, chúng ta cũng phải đối mặt với các vấn đề như giá cả tăng cao tại Trung Quốc, cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ suy yếu", giám đốc của một nhà máy tại Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, cho biết.
Miếng bánh của "người khổng lồ" bị ăn mòn
Trên thị trường thế giới, Trung Quốc vẫn giữ một thị phần mà không nước nào sánh được. Khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm của nước này đạt gần 70 triệu tấn trong năm 2018, gần gấp đôi con số của Nhật Bản, nguồn cung lớn thứ 2 của thế giới.
Sự lớn mạnh của ngành thép Trung Quốc là không thể phủ nhận. Năm 2001, Bắc Kinh chiếm 18% nguồn cung thép toàn thế giới, nhưng đến năm 2018, sản lượng thép của nước này chiếm hơn một nửa toàn cầu và đạt gần 930 triệu tấn.
Năm 2018, sản lượng thép của nước này chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Nguồn: Hiệp hội Thép Thế giới. |
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều cáo buộc cho rằng các nhà máy thép của Trung Quốc được chính phủ trợ cấp, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng. Hơn nữa, tình trạng dư thừa nguồn cung khổng lồ của nước này dẫn tới hiện tượng bán phá giá trên khắp các thị trường.
Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Trump sau khi nhậm chức là áp thuế 25% với thép nhập khẩu. Mỹ chặn toàn bộ nguồn thép nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng thép Trung Quốc được đưa sang quốc gia khác để gia công trước khi vận chuyển đến Mỹ. Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố áp thuế với bánh xe thép được sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu.
Các động thái trên bắt đầu có tác dụng. Xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 8% trong năm 2018 và tiếp tục giảm 5,3% trong 9 tháng đầu năm nay, theo số liệu chính thức của chính phủ nước này. Bên cạnh đó, xuất khẩu chỉ chiếm 7,5% tổng sản lượng, giảm từ mức 14% của năm 2015, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu triển khai chính sách cải cách cơ cấu nguồn cung thép.
Thuế áp lên hàng hóa sản xuất khác cũng kéo giảm nhu cầu thép, bà Wang Guoqing, Giám đốc nghiên cứu tại Lange Steel Information Research Center, nhận định. Bà cho biết xuất khẩu nồi hơi công nghiệp của Trung Quốc giảm 20,5% về khối lượng trong 8 tháng đầu năm nay. Tương tự, xuất khẩu ôtô của nước này cũng giảm 12,5%.
"Chính sách thuế quan nhìn chung có tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc", bà Wang nhận định.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm. Nguồn: Hiệp hội Thép Thế giới. |
|
Thỏa thuận giai đoạn 1 của ông Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được thế giới chào đón nhưng cũng kèm theo nhiều hoài nghi. Giới thương nhân thép ở Trung Quốc lo ngại đòn thuế của Mỹ dành cho ngành công nghiệp này sẽ được giữ nguyên. Một thỏa thuận chính thức có thể giúp ngành thép dễ thở hơn đôi chút, nhưng sẽ không dễ dàng để các nhà xuất khẩu Trung Quốc lấy lại những gì đã mất, đại diện một công ty tại Đường Sơn nhìn nhận.
Cuộc cạnh tranh giá khốc liệt
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, các nhà máy thép của Trung Quốc đang chật vật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá với các đối thủ đến từ Nhật Bản.
Xu hướng trì trệ trong các hoạt động kinh tế vừa khiến giá thép toàn cầu giảm, vừa làm gia tăng mức độ cạnh tranh mà các nhà xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt. Kể từ tháng 8, các nhà cung cấp Nhật Bản bắt đầu chào bán thép với giá ngang bằng hoặc thấp hơn Trung Quốc, trong khi Ấn Độ cũng đang "ăn" dần thị phần của nước sản xuất lớn nhất thế giới này.
Đầu tháng 10, Trung Quốc chào bán giá thép cuộn cán nóng với giá ít nhất là 450 USD/tấn (giá FOB), trong khi các đối thủ đến từ Nhật Bản chào giá 435 USD/tấn đối với thép cùng loại và chất lượng. Thép Nhật Bản vì thế thu hút nhiều người mua Việt Nam hơn.
"Hiện tại, chúng tôi không thấy khách hàng Việt Nam hỏi xin giá vì thép Trung Quốc đã mất sức cạnh tranh", một thương nhân tại tỉnh Chiết Giang cho hay.
Trái ngược với tình hình ảm đạm ở thị trường nước ngoài, giá thép Trung Quốc tại thị trường nội địa lại được hỗ trợ bởi chính sách thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ. Các dự án hạ tầng cùng sự phục hồi của thị trường bất động sản giúp bù đắp sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ thép của các ngành truyền thống như ôtô và đóng tàu.
Giá giảm kể từ năm ngoái nhưng sẽ xuống thấp hơn nếu như không có chính sách này.
"Sẽ rất rủi ro khi phụ thuộc lớn vào hạ tầng. Đầu tư vào hạ tầng sẽ không thể cứu được nền kinh tế nhưng ít nhất sẽ giúp kinh tế duy trì đà tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới mất động lực", ông Zheng Peng, đại diện của công ty Jiangsu Xiangshi Trading, nói.
Sản lượng thép thô tăng 9% trong 8 tháng đầu năm nay lên 665 triệu tấn, nhưng tồn kho không tăng theo, bà Wang tại Lange cho biết. Ngược lại, tồn kho thép thô của Trung Quốc giảm 724.000 tấn xuống 9,76 triệu tấn từ ngày 20/9 đến ngày 27/9. "Điều này có nghĩa là ngay cả khi xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn đủ mạnh để đối phó với xu hướng sản lượng tăng".
Sản lượng thép Trung Quốc tăng nhưng tồn kho không tăng theo nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước mạnh mẽ. Nguồn: Viện nghiên cứu thị trường thép Lange. |
|
Vì vậy, giá thép được dự báo giảm trong thời gian tới do nguồn cung bắt kịp với nhu cầu, và các nhà xuất khẩu cố gắng bán thép dư thừa tại thị trường nội địa. Hơn nữa, lợi nhuận của ngành công nghiệp này đã giảm 32% trong 8 tháng đầu năm nay, gây áp lực lớn lên những nhà máy muốn tăng sản lượng.
Giới chuyên gia trong ngành dự đoán đà giảm có thể kéo dài tới năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng hiện là 3.287 nhân dân tệ/tấn (463 USD), trong khi giá thép xây dựng là 3.291 nhân dân tệ/tấn. Cả 2 đều thấp hơn mức giá hơn 4.000 nhân dân tệ/tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến giá thép thành phẩm tại Trung Quốc. Nguồn: Sở giao dịch Hàng hóa Thượng Hải. |
|
Chiến dịch cải cách nguồn cung không hiệu quả?
Suốt 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc nỗ lực củng cố thị trường thép nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung và ô nhiễm môi trường. Bắc Kinh đặt mục tiêu cho 10 nhà sản xuất thép hàng đầu giảm công suất sản xuất xuống 60% vào năm 2020. Kết quả, nước này loại bỏ được 140 triệu tấn thép của 700 nhà máy quy mô nhỏ và 150 triệu tấn thép không hiệu quả tại các công ty lớn.
Tuy nhiên, nỗ lực tái cơ cấu sáp nhập các công ty trong ngành thép của chính phủ đang gặp phải khó khăn khi các nhà máy quy mô nhỏ đẩy mạnh mở rộng công suất nằm ngoài kế hoạch. Ông Gan Yong, Chủ tịch của Chinese Society for Metals, cho biết một số khu vực tại Trung Quốc không nghiêm túc kiểm soát tình trạng dư cung.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc gần đây cũng cảnh báo về sự gia tăng của các nhà máy thép bất hợp pháp, bao gồm cả những cơ sở mới không được chính phủ chấp nhận và những cơ sở đáng lẽ phải bị đóng cửa trước đây.
Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, sản lượng của doanh nghiệp thành viên, chủ yếu thuộc sở hữu của nhà nước, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong 8 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, sản lượng của các doanh nghiệp không phải là thành viên, chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân, tăng 19,4%.
"Có dấu hiệu cho thấy tình trạng dư cung trên thị trường thép không gỉ, thép kỹ thuật điện và thép tấm dành cho sản xuất ôtô", ông Gan cảnh báo.