Thông qua hình thức "hỗ trợ" trên, các đối tượng lấy được thông tin cá nhân của các nạn nhân để thực hiện hàng loạt hồ sơ vay vốn, mua trả góp thiết bị di động tại các công ty tài chính hoặc các app cho vay tài chính…
Hình thức này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các hội nhóm trên mạng xã hội và gần đây xuất hiện ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, các đối tượng này sẽ tìm đến những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch… nhằm đề nghị giúp đỡ làm hồ sơ để nhận tiền trợ cấp. Sau đó, đối tượng thuyết phục nạn nhân cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác. Tinh vi hơn, với hình thức trao đổi qua mạng xã hội, đối tượng thậm chí còn đề nghị nạn nhân gửi video ghi hình lại gương mặt với các cử chỉ quay qua trái, qua phải, chớp mắt trước ống kính…
Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các app cho vay tiền mặt, các công ty tài chính, hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.
Trên một diễn đàn giúp kết nối giữa người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với cộng đồng, thành viên L.G đăng thông tin cảnh báo: “Khi anh chị đăng tin hay comment muốn nhận cứu trợ, bọn chúng sẽ inbox cho anh chị xem anh chị có muốn nhận gói cứu trợ xx triệu hay không. Nếu anh chị đồng ý, chúng sẽ yêu cầu gửi ảnh CMND hai mặt, kèm ảnh chính bạn tay cầm CMND cho chúng. Sau bước ấy chúng yêu cầu bạn gửi một video quay chính mặt bạn. Chúng lấy lý do là để duyệt hồ sơ nếu bạn nghi ngờ. Sau các bước trên chúng bảo bạn... chờ.
Trời ơi! Chờ đến bao giờ? Duyệt hồ sơ cái gì kiểu ấy hả. Đó là thủ tục của vay tiền online trên các app vay online anh chị à. Là thủ tục để vay online đó. Với ngần ấy thứ anh chị gửi là đủ điều kiện để vay được một khoản tiền rồi. Tiền thì bọn chúng nhận, còn nợ thì anh chị nhận và sau này phải trả, có chạy đằng trời”.
Tin nhắn lừa đảo được cảnh báo trên một diễn đàn.
Theo Công ty tài chính FE Credit, ở một số khu vực đã có tình trạng người dân vì cần gấp khoản tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch đã tin vào chiêu lừa “nhận tiền trợ cấp”, cung cấp toàn bộ giấy tờ tùy thân, thậm chí đi cùng đối tượng lừa đảo đến cửa hàng điện máy và trực tiếp ký vào các giấy tờ “nhận tiền trợ cấp” mà không biết thực chất, đó chính là hồ sơ vay trả góp các thiết bị điện tử, di động. Đối tượng sau đó bán các tài sản mua được từ hồ sơ vay đứng tên nạn nhân và chiếm đoạt số tiền của công ty tài chính. |
Không chỉ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngay tại Hà Nội đã xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo tiếp cận với những người lao động ngoại tỉnh đang gặp khó khăn do mất việc. Người có hoàn cảnh khó khăn vô tư cung cấp thông tin cá nhân, quay video chính mình để gửi cho “nhà hảo tâm” mà không biết rằng mình đang bị lừa và có thể sắp bị đổ vấy một khoản nợ.
Để tránh bị sập bẫy, theo khuyến cáo của các công ty tài chính, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ với các nội dung hỗ trợ làm hồ sơ nhận trợ cấp xã hội trong mùa dịch nhưng yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, hình ảnh chụp cận khuôn mặt, clip quay nhận diện khuôn mặt. Đồng thời, không được chia sẻ các dữ liệu này trên các trang mạng xã hội.
Khi có người yêu cầu đưa giấy tờ tùy thân và kí vào một số giấy tờ sẽ được hưởng thù lao theo thỏa thuận, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.
Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ được gắn kèm trong nội dung tin nhắn. Không kí bất cứ giấy tờ nào khi chưa đọc kỹ nội dung, kể cả chữ kí điện tử trên điện thoại thông minh.
Các thông tin như: mật khẩu tài khoản, hạn mức thẻ tín dụng, mã giao dịch một lần (mã OTP) là những thông tin cần được đặc biệt bảo mật. Không bao giờ cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, công ty tài chính.
Trong bối cảnh các hành vi lừa đảo nhắm tới ngành tài chính – ngân hàng liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, mỗi cá nhân cần cường hơn nữa việc bảo mật các thông tin cá nhân, hình ảnh cá nhân và cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo.