Điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định
Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được quy định như sau:
- Lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường:
Nghỉ hưu năm 2021: Đủ 60 tuổi 3 tháng. Nghỉ hưu những năm sau 2021: Mỗi năm tăng 3 tháng đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.
- Lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường:
Nghỉ hưu năm 2021: Đủ 55 tuổi 4 tháng. Nghỉ hưu những năm sau 2021: Mỗi năm tăng 4 tháng đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Song, thay vì nghỉ hưu ở độ tuổi trên, người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn. Cụ thể, khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ:
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, nội dung này cũng được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 135/2020/NĐ-CP. Cụ thể, người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu thông thường.
2. Tuổi nghỉ hưu không vượt quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu của lao động bình thường.
Như vậy, chỉ những người lao động đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục làm sau độ tuổi nghỉ hưu với người sử dụng lao động thì mới có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn quy định.
Việc nghỉ hưu vượt tuổi này thường áp dụng cho những người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt như người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm (BHXH) nên muốn đi làm để tích lũy thêm thời gian đóng BHXH...
Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có được thêm quyền lợi?
Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu thông thường sẽ được coi là lao động cao tuổi. Kéo theo đó, họ sẽ được pháp luật dành cho nhiều đặc quyền trong thời gian làm việc:
- Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
- Được thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Hơn nữa, những người lao động này còn được doanh nghiệp đóng đầy đủ các loại bảo hiểm trong thời gian làm việc. Nhờ đó, tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ dài hơn, kéo theo các quyền lợi về hưu trí cũng cao hơn. Cụ thể:
- Thời gian đóng BHXH dài hơn khiến tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn nhưng tối đa không quá 75%.
Ví dụ: Nếu nghỉ hưu năm 2021, ông X có 20 năm đóng BHXH. Theo quy định tại Điều 74 Luật BHXH năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu của ông X được tính như sau:
19 năm đóng BHXH: Hưởng 45%. 1 năm đóng BHXH còn lại: Hưởng 2%.
Theo đó, tỷ lệ lương hưu được hưởng là 47%.
Tuy nhiên, nếu nghỉ hưu vào năm 2026, ông X sẽ có 25 năm đóng BHXH. Khi đó, tỷ lệ lương hưu ông X được hưởng như sau:
20 năm đóng BHXH: Hưởng 45% (do từ nghỉ hưu năm 2022 trở đi, lao động nam đóng 20 năm BHXH mới được tính hưởng 45%). 4 năm đóng BHXH còn lại: Hưởng 8%.
Như vậy, tổng tỷ lệ lương hưu ông X được hưởng khi nghỉ hưu năm 2025 là 53%.
- Nếu thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%: Người lao động được nhận thêm trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
Theo khoản 2 Điều 75 Luật BHXH 2014, cứ mỗi năm đóng BHXH vượt quá số năm tương ứng với tỷ lệ 75% thì người lao động được hưởng bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.