Sau một năm làm việc, người lao động thường sẽ được doanh nghiệp trả thêm khoản thưởng Tết để ghi nhận những đóng góp của họ trong năm qua. Vậy trường hợp nghỉ việc tháng cuối năm thì liệu có được lấy thưởng Tết không?
Làm bao nhiêu tháng thì được thưởng Tết?
Bộ luật Lao động không quy định cụ thể về chế độ thưởng Tết mà chỉ quy định chung về thưởng tại Điều 104. Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, thưởng nói chung hay thưởng Tết nói riêng đều không phải khoản bắt buộc. Khoản thưởng này sẽ được doanh nghiệp tính toán dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cùng mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm vừa qua.
Do pháp luật không nêu rõ là làm việc bao lâu thì được nhận thưởng Tết nên việc thưởng hay không sẽ do người sử dụng lao động chủ động quyết định và cân đối dựa trên nguồn tài chính.
Theo đó, bất cứ ai có đi làm đều có cơ hội được thưởng Tết. Tuy nhiên, mức thưởng Tết được nhận sẽ phụ thuộc vào năng lực cũng như thâm niên của mỗi người lao động. Vì vậy sẽ xảy ra tình trạng người được thưởng Tết nhiều, người được thưởng Tết ít.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp lại có quy chế thưởng Tết riêng. Thông thường, nếu chưa làm trọn năm thì người lao động được tính thưởng Tết theo tỷ lệ tương ứng với số tháng đã làm việc. Trường hợp quy chế thưởng nói rõ chỉ thưởng Tết cho những người làm việc 12 tháng thì người làm chưa đủ sẽ không được thưởng.
Nghỉ việc tháng cuối năm có được lấy thưởng Tết?
Điều 104 Bộ luật Lao động cũng nêu rõ, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động. Do đó, để biết được người lao động nghỉ việc tháng cuối có được nhận thưởng Tết hay không, người lao động cần kiểm tra kỹ 3 loại văn bản, gồm: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể và Quy chế thưởng mà doanh nghiệp công bố.
Nếu hợp đồng, quy chế thưởng hoặc thỏa ước lao động ghi rõ sẽ thưởng Tết kể cả khi nhân viên nghỉ việc dịp cuối năm, thì doanh nghiệp buộc phải chi trả thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng sẽ dựa trên thỏa thuận mà các bên đã ghi nhận.
Trường hợp doanh nghiệp trốn tránh không trả như đã thỏa thuận, người lao động có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được giải quyết và đòi lại quyền lợi chính đáng.
Còn nếu tất cả văn bản đã đề cập không ghi rõ có được thưởng Tết hay không, người lao động nên nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo và tác động thêm ở phía công đoàn để dễ thương lượng.
Tuy nhiên, một khi đã không thỏa thuận rõ thì doanh nghiệp có thưởng hay không là do doanh nghiệp quyết định, người lao động không thể can thiệp bằng pháp luật để đòi thưởng Tết.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)