Ông John McCain có nhiều điểm giống mẹ và một trong số đó chính là sự bướng bỉnh đã khiến người Mỹ coi ông như một anh hùng. John McCain, phi công hải quân Mỹ, từng bị bắt giam tại Việt Nam khi lái máy bay oanh tạc Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh. Là con của Đô đốc Hải quân, người chịu trách nhiệm chỉ huy toàn bộ lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, McCain đã từ chối việc được phóng thích. Điều đó khiến người Mỹ coi ông như anh hùng.
Ông McCain dường như được thừa hưởng tính nết đó từ mẹ, bà Roberta, người vẫn thường xuyên lái xe dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Trong một chuyến du lịch đến châu Âu, người ta nói bà quá già để được phép thuê một chiếc xe hơi. Thay vì lựa chọn phương tiện khác, bà Roberta tự mua một chiếc Peugeot để lái. Ở tuổi 90, bà từng một mình lái xe xuyên nước Mỹ trong một chuyến đi trải nghiệm.
Bây giờ, ở tuổi 106, người vợ của một đô đốc Hải quân này đã sống một cuộc đời đầy trải nghiệm và phiêu lưu, được nhấn mạnh bởi cá tính và quyết tâm của bà. Bà từng bảo rằng McCain thích nhìn bà như một hình mẫu mà ông ấy hy vọng sẽ làm được khi về già. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ xảy ra khi căn bệnh ung thư não khiến ông McCain ra đi ở tuổi 81.
Mặc dù bị đột quỵ khiến chân tay trở nên chậm chạm, nói năng khó khăn, bà Roberta vẫn sẽ tới lễ tang con trai ở Washington và sau đó là Maryland, nơi cậu con trai thứ có tên thân mật là Johnny sẽ an nghỉ.
Ở một trong những cuốn sách của mình, ông McCain đã mô tả rằng: "Mẹ tôi được nuôi dạy để trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ với quyết tâm tận hưởng cuộc sống và luôn cố gắng tận dụng tối đa mọi cơ hội của bà. Bà ân cần, hài hước và sẵn sàng chấp nhận mọi điều. Bà luôn là người đầy trách nhiệm và sự hy sinh cho những gì mình lựa chọn. Tôi cám ơn bà vì bà đã dạy cho tôi những điều đó".
Với chồng là một Đô đốc Hải quân, người đi công tác gần như cả cuộc đời, Roberta McCain đã một mình nuôi dạy những người con. Bà không phàn nàn và rất yêu cuộc sống Hải quân. Gia đình họ sống ở Hawaii, vùng kênh đào Panama và nhiều nơi khác nữa.
John McCain nối nghiệp cha và ông nội để vào Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland – nơi ông sẽ an nghỉ cuối cùng vào ngày chủ nhật (2/9). Sau quá trình đào tạo, ông trở thành phi công của Không quân Hải quân Mỹ và tham chiến ở Việt Nam, nơi phi cơ của ông bị bắn rơi và ông bị bắt giam tháng 10/1967.
Sau khi kết thúc chiến tranh, ông McCain là một trong những người tích cực nhất trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Từ cựu thù, vị Thượng nghị sĩ của Mỹ trở thành một người bạn quan trọng với Việt Nam và có những đóng góp không thể không nhắc tới trong sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước.