Tọa đàm kinh tế 2022: "Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức mới đây, đã nhận được sự trao đổi sôi nổi của nhiều chuyên gia về những vấn đề nóng của kinh tế năm 2021. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có những chuyển biến rất đặc biệt, cá biệt tình trạng bất động sản tăng giá nhanh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nền kinh tế gặp khó khăn.
Theo TS. Vũ Đình Ánh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua có những giao dịch bất động sản nhà biệt thự tăng đột ngột gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Nhiều giao dịch không thể thực hiện thành công là do giá bất động sản tiếp tục tăng.
Đồng quan điểm đó, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho biết: "Vừa qua chúng tôi có làm điều tra về 8 dự án bất động sản quanh Hà Nội. Kết quả cho thấy, phần lớn là người mua để đầu cơ chứ không phải để ở. Họ mua xong rồi lại "đắp chiếu" bỏ đấy… Nếu ai hỏi mua thì bán với giá "trên trời", người mua không thể mua được".
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2021, số lượng dự án bất động sản giảm đi khoảng 60%, còn lại chỉ 40% so với năm 2020. Số lượng giao dịch giảm đi một nửa so với năm 2020, nhưng số lượng giao dịch được cũng chỉ bằng một nửa số giao dịch.
Lý giải khả năng tăng giá trên thị trường bất động sản hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chừng nào nguồn cung và cầu không gặp nhau nữa mà nó có xu hướng đi song song, thì giá nhà mới có khả năng ngừng tăng. 10 năm qua, cung và cầu vẫn gặp nhau, do đó giá bất động sản không ngừng tăng.
Người người mua bất động sản xong "đắp chiếu", bỏ hoang.
“Bất cập trong quy hoạch đô thị đang tạo sự mất cân đối cung cầu, khiến giá bất động sản ở tất cả phân khúc đều nóng. Gần như dự án dành cho người nghèo, người thu nhập thấp không có, trong đó nhiều quỹ đất lại phát triển dự án bất động sản cao cấp. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường, người lao động nói về chuyện có nhà ở tại Hà Nội vẫn là ước mơ xa vời", ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dường như đang có sai lầm nghiêm trọng về quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Ở các nước trên thế giới, người nghèo thường ở trung tâm vì họ cần trường học cho con, con họ có thể đi bộ để đi học, họ cần dịch vụ công cộng và phương tiện giao thông công cộng… Người giàu dịch ra ngoài trung tâm để ở.
Còn ở Việt Nam, người nghèo không đủ tiền phải mua nhà ra ngoài trung tâm để ở. "Tôi nghĩ rằng, chuyện ách tắc giao thông trong tương lai là chuyện đương nhiên", ông Nghĩa nêu quan điểm.
“Hiện nay, theo quy định, các dự án lớn phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở, nhưng nếu ai không xây thì đóng tiền. Quy định này khiến đa số các chủ đầu tư dự án chọn phương án đóng tiền, điều đó chứng tỏ chúng ta không có tầm nhìn về quy hoạch đô thị. Khiến cho tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản đều nóng”, ông Nghĩa thẳng thắn cho biết.
Chia sẻ thêm về dòng tiền đang đổ vào bất động sản, TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện phó Viện Quản lý Trung ương cho biết, có 2 luồng tiền trong bất động sản là từ chứng khoán mua bất động sản, xong từ bất động sản lại thế chấp chơi tiếp chứng khoán; luồng tiền thứ hai là rửa tiền.