Bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đang là câu chuyện được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, vì đây là cơ hội để xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt ra thế giới.
Tại Hội thảo Xuất khẩu cùng nhà bán hàng toàn cầu Alibaba.com diễn ra tại TPHCM cuối năm ngoái, ông Zhang Kuo, Tổng giám đốc Alibaba.com đã chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp Việt gặp phải khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Ông Zhang Kuo đã từng hỏi nhiều doanh nghiệp rằng họ có muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài không, câu trả lời thường là "có". Tuy nhiên, thực tế, sản phẩm của họ vẫn chưa được bán trên thị trường quốc tế vì họ thấy bán hàng trực tuyến ra nước ngoài "phức tạp quá".
Ông Zhang Kuo cho rằng, Alibaba.com là sàn thương mại điện tử B2B toàn cầu và mang lại giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với người mua trên toàn thế giới, đơn giản hóa việc xuất khẩu. Chẳng hạn như người bán cần một nền tảng thương mại số giống như chợ để trình bày sản phẩm, sao cho người mua trên toàn thế giới có thể thấy được các mặt hàng và kết nối toàn cầu. Khi có đơn hàng thì làm sao để có công cụ giao tiếp giữa người mua và người bán, làm sao để thanh toán, làm sao để giao hàng từ Việt Nam đến các quốc gia khác… Alibaba.com đưa ra giải pháp cho những vấn đề trên.
Một trong những thách thức mà ông Zhang Kuo đề cập tới đó là xây dựng niềm tin. Theo ông, người mua ở rất xa người bán, có thể đến từ gần 200 quốc gia khác nhau nên không thể gặp gỡ hàng ngày. Do đó phải có cơ chế để xây dựng lòng tin giữa người mua và người bán. Khi người bán giao dịch trên sàn, thông tin sẽ có trong hồ sơ. Và từ thông tin đó, khách hàng sẽ biết người bán kinh doanh mảng gì, có kinh nghiệm ra sao, năng lực sản xuất như thế nào...
Một câu chuyện nữa mà người mua và người bán gặp phải trên các sàn thương mại điện tử đó là người mua trả tiền trước khi nhận hàng hay trả tiền sau. Và để giải quyết vấn đề này, Alibaba.com đã cho ra đời dịch vụ bảo hiểm thương mại. Nền tảng này sẽ giúp người mua và người bán có cam kết trong quá trình giao thương. Dù chưa nhận được tiền nhưng người bán có thể bắt đầu sản xuất sản phẩm và tập trung vào việc hoàn tất đơn hàng vì đã có những cam kết cụ thể.
Alibaba.com cũng có dịch vụ dịch tự động ngay lập tức cuộc hội thoại giữa 2 người mua bán sản phẩm qua các thiết bị di động.Và Alibaba.com đã có thể dịch 18 loại ngôn ngữ khác nhau để xóa rào cản về ngôn ngữ.
Alibaba.com cũng đưa ra dịch vụ dịch tự động ngay lập tức cuộc thoại giữa 2 người đang chát hoặc nói chuyện với nhau qua thiết bị di động. Hiện Alibaba.com có thể dịch được 18 loại ngôn ngữ khác nhau.
Chia sẻ với báo giới, ông Zhang Kuo kỳ vọng 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ bán hàng trên sàn giao dịch Alibaba.com trong 5 năm tới.
Gian hàng trên sàn đầy đủ thông tin, phản hồi nhanh… là những bí quyết vàng giúp doanh nghiệp bán hàng thành công trên sàn TMĐT
Ông John Caplan, Giám đốc Bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Tập đoàn Alibaba, đưa ra một số gợi ý với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể bán hàng trên Alibaba.com. Đó là doanh nghiệp cần tạo gian hàng, tạo tài khoản và cung cấp các thông tin kỹ thuật về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Thứ hai, đó là việc phản hồi thông tin của khách hàng phải nhanh, kịp thời. Thứ ba là tận dụng được hệ thống quản trị giao tiếp khách hàng trên nền tảng Alibaba.com.
Theo ông John Caplan, các yếu tố mà người bán hàng muốn kinh doanh thành công trên Alibaba.com cần có lần lượt là chất lượng sản phẩm; khả năng sản xuất; giá cả của sản phẩm; số lượng mặt hàng của nhà cung cấp (phải đáp ứng được yêu cầu ít, nhiều của người mua); phản hồi khách hàng nhanh, thường xuyên; xây dựng lòng tin với khách hàng và tốc độ hoàn tất đơn hàng phải đúng như cam kết để xây dựng lòng tin và sự gắn kết với khách hàng.