Theo hãng tin CNBC, hơn 1/3 số người thu nhập cao ở Mỹ đang gặp áp lực thiếu tiền chi tiêu hàng tháng, một sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Cụ thể, khoảng 36% số người Mỹ có thu nhập hơn 100.000 USD/năm đang phải sống trong cảnh cuối tháng hết tiền, cao gấp đôi so với tỷ lệ hồi năm 2019. Khảo sát trên được thực hiện bởi hãng tư vấn Willis Towers Watson (WTW).
Với những người có thu nhập 50.000-100.000 USD/năm, tỷ lệ cuối tháng hết tiền là 34% và con số này là gần 52% với những lao động có thu nhập dưới 50.000 USD.
Tuy nhiên, những người có thu nhập cao trên 100.000 USD là phân khúc duy nhất có sự tăng trưởng về tỷ lệ cuối tháng hết tiền trong 3 năm qua.
"Đà lạm phát đang khiến những người có thu nhập cao, vốn có lối sống hưởng thụ, lâm vào cảnh kẹt tiền, trong khi những người nghèo thì đã quá quen với cuộc sống đầy áp lực đó", chuyên gia tài chính Mark Smrecek của WTW nhận định.
Đồng quan điểm, khảo sát của LendingClub cho thấy 36% số người kiếm hơn 250.000 USD/năm đang phải sống trong cảnh cuối tháng hết tiền.
Cái giá của lạm phát
Tốc độ tăng giá chóng mặt của chi phí giao thông, thực phẩm cùng nhiều thứ khác đang khiến các hộ gia đình gặp áp lực vô cùng lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 5/2022 đã lên đến 8,6%, mức cao nhất 40 năm qua.
Áp lực lạm phát đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm vào ngày 15/6/2022, mức nâng mạnh nhất kể từ năm 1994 đến nay.
"Đà nâng lãi suất sẽ còn tiếp tục nếu lạm phát vẫn đi lên", chuyên gia Smrecek cảnh báo, nhất là với những người có thu nhập cao vốn quen lối sống hưởng thụ.
Sự ảnh hưởng của lạm phát đến người dân cũng tùy thuộc vào từng thu nhập. Những người có thu nhập cao cho biết lạm phát tác động mạnh nhất đến họ thông qua chi phí bất động sản, ví dụ như tiền thuê nhà hay tiền lãi phải trả mua nhà thế chấp.
Trong khi đó, những người có thu nhập thấp lại chịu ảnh hưởng từ lạm phát chủ yếu qua những khoản nợ phải trả hoặc chi phí sinh hoạt thường ngày như tiền ăn, tiền điện...
Mặc dù không phân loại rõ nhưng các cuộc khảo sát đều chỉ ra rằng chi phí thuê nhà cũng như trả lãi mua nhà thế chấp đều tăng khi người dân di chuyển chỗ ở trong mùa dịch.
Bên cạnh đó, những người có thu nhập cao là đối tượng dễ kiếm được công việc mới cho phép làm từ xa hơn là lao động thu nhập thấp, do đó họ không chịu nhiều áp lực lạm phát về chi phí đi lại hay ăn ngoài. Thay vào đó, nhóm đối tượng này chủ yếu chịu áp lực từ tiền thuê nhà cũng như các chi phí xa xỉ khác.
Hãng tin CNBC nhận định các bạn trẻ có thể thử áp dụng quy luật 50-20-30 vào cuộc sống để tránh cuối tháng hết tiền. Theo đó 50% số thu nhập được để chi tiêu các khoản thiết yếu, 30% để tiêu xài tùy ý và 20% dùng để trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư.
Tất nhiên, đây chỉ là những lời khuyên trên lý thuyết, còn thực tế lạm phát có thể khiến nhiều bạn trả phải dồn toàn bộ số tiền kiếm được để trả nợ, lâm vào vòng xoáy cuối tháng hết tiền và trả nợ không hồi kết.
*Nguồn: CNBC