Pháp và Nhật đều là các quốc gia đi đầu thế giới về thiết kế - nhưng nếu bạn muốn bắt kịp thời trang, Paris là người đi đầu xu hướng không thể bỏ qua trong khi Tokyo lại giống một vùng quê hẻo lánh. Có vẻ điều tương tự cũng diễn ra trong thế giới ô tô.
Tuần trước, Paris Motor Show là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô vốn gặp không ít trục trặc của châu Âu phô diễn khả năng “phòng thủ” trước sức phát triển như vũ bão của các mẫu xe điện nhập khẩu giá rẻ nhưng đầy sáng tạo từ Trung Quốc.
Sự xôn xao đã lan tỏa: Renault SA, Stellantis NV, Volkswagen AG đều giới thiệu các mẫu EV với giá cạnh tranh khoảng 25.000 euro (27.000 USD). Những thiết kế táo bạo, điên rồ cũng xuất hiện, thu hút sự quan tâm lớn của người dùng khu vực này, cho cảm giác như kỷ nguyên hậu ô tô đã đến rất gần.
Cùng thời điểm, Nhật Bản cũng có một sự kiện tương tự nhưng khác biệt ở chỗ, dường như cuộc cách mạng xe điện không hề ảnh hưởng đến nơi này.
Chỉ có một chiếc xe điện duy nhất được trưng bày tại Japan Mobility Show. Đó là chiếc Nissan Ariya, mẫu xe ra đời từ năm 2022. Toyota và Honda trưng bày 2 chiếc xe chạy bằng hydro và 3 mẫu xe sử dụng nhiên liệu sinh học.
Đây có phải lựa chọn thực tế? Hiện lượng xe chạy điện bằng pin được bán trong 3 ngày trên toàn cầu đã tương đương với toàn bộ xe chạy hydro được bán ra từ khi công nghệ này xuất hiện cách đây 9 năm – 90.762 chiếc.
Đây là cách tiếp cận có phần kỳ quặc nhưng phù hợp với định vị chung của người Nhật khi ngành công nghiệp ô tô chuyển sang điện hóa. Trên toàn cầu, cứ 8 chiếc xe bán ra trong năm ngoái thì có 1 xe điện chạy pin, hay BEV nhưng ở Nhật Bản, con số này chỉ đạt 2,2% - mức thấp hơn cả Ấn Độ hay Đông Nam Á, chưa nói đến Trung Quốc (25%). Ở Pháp, thị phần là 18% còn ở Mỹ là 8,1%.
Các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trên con đường điện khí hóa. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước duy nhất không cho rằng đây là thách thức mà là một hiểu lầm về mặt nhận thức.
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda hồi tháng 1 khẳng định BEV không bao giờ đạt được thị phần hơn 30%, mức dù hiện tại dòng xe này đã đạt khoảng 13%, so với mức dưới 5% thời điểm cùng kỳ năm 2021.
Đây là một nhận thức kỳ lạ nếu biết Nhật Bản từng là quốc gia đi đầu trong việc điện khí hóa. Kể từ khi Elon Musk mua lại một công ty khởi nghiệp về ô tô năm 2024, Sony đã phát minh ra pin lithium-ion trong khi Nissan và Mitsubishi đã sản xuất hàng loạt xe điện chỉ trong vòng vài tháng sau khi Musk nhận chiếc Tesla Roadster đầu tiên.
Các nhà sản xuất Nhật Bản lẽ ra phải có thật nhiều câu chuyện thú vị để kể. Được hỗ trợ khoảng 3 tỷ USD từ trợ cấp chính phủ, họ đã dành hơn 1 thập kỷ để sản xuất pin thể rắn, hứa hẹn cho phạm vi hoạt động vượt trội, thời gian sạc rút ngắn và tăng độ an toàn so với pin lithium-ion hiện tại.
Tháng trước, Toyota công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất pin thể rắn sớm nhất vào năm 2026 nhưng ngay cả lĩnh vực này, các công ty Trung Quốc như SAIC, Nio hay CATL cũng đang đi trước họ.
“Ô tô điện và hybrid không phải giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu trung hòa carbon”, Masanori Katayama, chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nói. “Đa hướng là ý tưởng mà chúng tôi áp dụng, bao gồm cả việc sử dụng hydro cũng như nhiên liệu thay thế”.
Các nhà sản xuất ô tô của châu Âu đang phải vật lộn để chống lại cuộc tấn công của xe điện Trung Quốc – nhưng ít nhất họ đang thể hiện khao khát chiến đấu. Các ông lớn Nhật Bản thì khác – họ dường như không có định hướng và đang “trôi dạt”.