Trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, số lượng người nước ngoài tại Nhật đã tăng lên con số 2,47 triệu từ mức chỉ 980 nghìn vào năm 1989. Chính vì thế, khi các nhà sử học viết về Nhật bản khoảng 30 năm gần đây, hẳn người ta sẽ viết rằng đó là giai đoạn dân số nước Nhật sụt giảm, thế nhưng cùng thời gian đó, lượng người nước ngoài vào Nhật sống tăng cao chưa từng có.
Tại trường tiểu học Keiwa phía Nam tỉnh Mie thuộc vùng Kansai miền Trung nước Nhật, học sinh có thể nói đến 9 thứ tiếng khác nhau khi các em ở nhà, ví như tiếng Talalog (một tiếng phổ biến tại Philippines), tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thái Lan hay tiếng Indonesia.
Thế nhưng ở trường các em chỉ nói tiếng Nhật. Tiếng Nhật của các em nhiều khi chuẩn đến nỗi khó có thể phát hiện các em là người nước ngoài nếu chỉ nghe giọng nói.
Khoảng một nửa trong số 250 em học sinh ở trường có ít nhất bố hoặc mẹ không phải là người Nhật. Ngôi trường này có thể coi như một xã hội Nhật mới đa dạng về quốc tịch.
Nhắc đến nhân khẩu học tại Nhật, người ta nhớ ngay đến một xã hội đang già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm và các khu vực nông thôn ngày một thưa vắng người. Thế nhưng khi mà nhập cư tăng cao, nhiều cộng đồng nhỏ tại nước Nhật, vốn từng tuyệt vọng vì thiếu nguồn lao động và nguồn thu thuế, đang được hồi sinh trở lại, đó là những nhận xét được Nikkei đưa ra trong bài báo mới đây.
Từng có thời điểm số học sinh ở trường tiểu học Keiwa chỉ còn bằng 1/7 so với lúc cao điểm. Thế nhưng khi có ngày một nhiều người nước ngoài đến sống tại khu công nghiệp Chukyo gần đó, số lượng học sinh tăng nhanh chóng.
Cậu bé 12 tuổi người Philippines, Kevin Sahayan, cho biết cậu bắt đầu học tiếng Nhật từ khi đi học lớp 3, khi đó cậu mới đến Nhật. Giờ đây khi đã 12 tuổi và nói tốt tiếng Nhật, cậu bé cho biết tiếng Nhật tốt giúp cậu hòa nhập được nhiều hơn với cộng đồng và có thêm bạn bè.
Tại tỉnh Mie, số lượng những người mới vào tỉnh cao hơn số người Nhật trong tỉnh rời sang Tokyo sống. Cụ thể trong năm 2017 có 5.999 người nước ngoài đến sống tại tỉnh Mie, cao hơn số 5.907 người Nhật thuộc tỉnh Mie rời lên Tokyo.
Con số trên không hề nhỏ bởi chính phủ Nhật đang phải cố gắng rất nhiều để ngăn dòng người rời khỏi các khu vực quan trọng. Tính trên phạm vi toàn nước Nhật, trong năm 2017, 120 nghìn người Nhật đã chuyển đến sống ở Tokyo, vì nhiều mục đích như học tập hay tìm việc.
Tính đến hết năm 2017, Nhật đã trải qua 4 năm liên tiếp mà số lượng người chuyển đến Tokyo sống vượt ngưỡng 100 nghìn người/năm. Chính phủ Nhật đang rất cố gắng để đưa con số này về 0 vào năm 2020.
Một góc Tokyo. Ảnh: Reuters
Tại tỉnh Gifu vùng Chubu miền Trung nước Nhật và tỉnh Shiga vùng Kansai ở miền Nam, số lượng người nước ngoài đến sống chỉ đủ bù 80% lượng người hai tỉnh này rời đi.
Tại tỉnh Gifu, công ty bất động sản địa phương Sunshow Industry đã cố gắng giúp người nước ngoài tìm nhà trong suốt 5 năm. Văn phòng của công ty tại thành phố Kani của tỉnh thậm chí còn có bảng chữ có nhân viên nói tiếng Bồ Đào Nha. 20% khách của công ty hiện là người nước ngoài.
Hiện nay, người nước ngoài mới chỉ chiếm 2% tổng dân số 127 triệu người của Nhật. Thế nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ này cao hơn. Tại khoảng 31 khu vực hành chính, tỷ lệ dân số nước ngoài vượt 5%. Còn tại thành phố Oizumi thuộc tỉnh Gunma, tỷ lệ này lên đến 17% tính đến hết tháng 1/2018.
Tại quận Shinjuku thuộc Tokyo và làng Shimukappu ở Hokkaido, tỷ lệ người nước ngoài vượt 10%.
Người nước ngoài trở thành nguồn nhân lực vô cùng quan trọng cho nhiều doanh nghiệp tại địa phương cũng như thêm nguồn thuế cho chính quyền địa phương. Nhiều doanh nghiệp, chính quyền thậm chí đang cố gắng đưa ra chính sách thu hút người nước ngoài.
Nước Nhật giờ đây đã đa dạng quốc tịch hơn rất nhiều so với năm 1950 khi mà Nhật chỉ có 600 nghìn người nước ngoài. Từ thành phố lớn đến các miền quê, người Nhật ngày một quen với việc sống chung với người nước ngoài. Và những người mới đang mang đến sức sống cho những làng quê từng dần một lụi tàn.