Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam- khi nói với PV Lao Động về việc có thông tin tại TP.HCM có tới 44% giao dịch mua nhà thuộc người Trung Quốc.
Mới đây, CBRE có đưa ra thông tin về việc có tới 44% người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về thông tin này?
Sau khi luật nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Và nó được phân bổ theo các quốc gia đầu tư vào Việt Nam chứ không riêng gì quốc gia nào. Còn việc khách hàng TQ mua nhà tăng đột biến tại Việt Nam thì Hiệp hội bất động sản Việt Nam không có số liệu nào ghi nhận việc đó từ thực tế các đơn vị thành viên bán hàng trên thị trường.
Con số 44% người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam có thể chỉ là cục bộ 1, 2 dự án, không đánh giá cả thị trường được. Vì nếu xét tổng thể các quốc gia đầu tư tại Việt Nam, Trung Quốc không phải là quốc gia dẫn đầu đầu tư.
CBRE được biết đến là công ty nghiên cứu thị trường bất động sản ở phân khúc trung, cao cấp. Vậy, với dự án trung, cao cấp thì người Trung Quốc có chiếm lượng giao dịch lớn như CBRE đưa ra?
Tôi khẳng định, những dự án nhà ở lớn, dự án nhà ở cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM thì người Trung Quốc không phải là đối tượng khách hàng lớn.
Chúng tôi thống kê, những quốc gia quan tâm tới dòng sản phẩm cao cấp trên tổng thể diện rộng là những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malayxia.
Còn báo cáo của CBRE, tôi không nói rằng CBRE sai nhưng lấy mẫu của họ nằm ở đúng khu vực của người Trung Quốc cao. Vậy nên hiểu là cục bộ dự án chứ không phải toàn bộ thị trường.
TP.HCM là thành phố hút người nước ngoài mua nhà. Ảnh: PV
Hiện nay vẫn còn một số rào cản với người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Theo ông, việc này có hạn chế số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?
Hiện nay, vẫn có một số quy định mang tính hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro an ninh quốc phòng. Luật quy định, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương, và trên cơ sở này UBND các tỉnh công bố dự án nhà ở người nước ngoài được phép mua.
Tôi nghĩ những rủi ro về an ninh quốc phòng với người nước ngoài mua nhà vẫn nên duy trì nhưng có thể khoanh vùng trọng điểm như biển đảo, biên giới, những vùng mang tính chiến lược quốc phòng. Còn những vùng đang kêu gọi đầu tư nước ngoài thì cũng nên mở ra.
Ngoài ra, quy định, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư; trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
Ở đây, có thể xem xét cân nhắc, với những dự án phù hợp với yêu cầu của người nước ngoài như những dự án hạng A, những dự án ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, ở những nơi mà có vốn FDI lớn nếu có những dự án nhà ở thì cũng nên nới room này.
Quay trở lại câu chuyện về người Trung Quốc mua nhà tại tại TP.HCM. Giả thiết số liệu của CBRE đưa ra là chính xác, nghĩa là có tới 44% người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM. Việc này, theo ông có đáng lo ngại không?
Khi mà thị trường bất động sản Việt Nam được sự quan tâm của nhiều khách nước ngoài và nhiều quốc gia quan tâm tới thị trường là tín hiệu tốt. Điều này thể hiện dòng tiền nước ngoài được đổ vào thị trường bất động sản tăng lên, điều này cũng làm tăng sức hấp dẫn của thị trường, tăng sức hấp thụ của thị trường.
Tôi không đánh giá người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng, mà nó thể hiện sự tích cực của thị trường.