Nhiều lao động nước ngoài đang tìm cách rời khỏi Iran và Iraq trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang sau khi tên lửa của Tehran tấn công vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ ở Iraq nhằm trả đũa cho vụ ám sát tướng quân sự cấp cao Qassam Soleimani.
Làn sóng tháo chạy ồ ạt của cộng đồng người nước ngoài đang cư trú ở Trung Đông sẽ là gánh nặng lớn cho nền kinh tế khu vực vốn đã bị các lệnh cấm vận và bất ổn chính trị làm cho chao đảo.
Tập đoàn thương mại và công nghiệp Toyota Tsusho của Nhật Bản cho biết đang xem xét kế hoạch tạm thời di tản các nhân viên người Nhật đang làm việc ở Iran. Hôm qua hãng hàng không EgyptAir cho biết đã quyết định ngừng các chuyến bay tới Baghdad trong 3 ngày "để bảo vệ sự an toàn cho các hành khách cũng như máy bay cho đến khi tình hình an ninh ở Baghdad ổn định trở lại".
Nhiều công ty dầu mỏ đang di dời công nhân ra khỏi những vùng ngoại ô của Basra, thành phố miền Nam Iraq nằm sát biên giới với Iran. Bộ Dầu mỏ Iraq cuối tuần trước cho biết công nhân của các công ty dầu mỏ Mỹ đang rời khỏi Iraq nhưng vẫn khẳng định rằng điều đó sẽ không gây ra nhiều tác động.
Philippines cũng đã lên kế hoạch đưa 6.000 công dân đang sinh sống và làm việc ở Iraq cùng với 1.600 công dân ở Iran về nước nếu như sự an toàn của họ bị đe dọa.
Lễ an táng tướng Soleimani đã bị hoãn lại sau khi ít nhất 56 người thiệt mạng vì giẫm đạp trong quá trình cử hành tang lễ. Hàng chục nghìn người đã xuống đường bày tỏ tiếc thương và tham dự đám tang của ông tại quê nhà Kerman. Đến sáng nay nhân vật quyền lực số 2 Iran đã trở về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Kerman.
Quốc hội Iran hôm qua vừa thông qua luật gắn mác Bộ Quốc phòng Mỹ là 1 tổ chức khủng bố. Ali Shamkhani, người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran tuyên bố Iran đang xem xét 13 kịch bản trả thù Mỹ. Kể cả trong kịch bản nhẹ nhàng nhất, đó cũng sẽ là "cơn ác mộng lịch sử đối với người Mỹ", ông này nói.
Một trong những lựa chọn có thể là tấn công vào các tàu chở dầu đang neo đậu dọc theo những tuyến đường vận chuyển dầu ở eo biển Hormus.
Các chuyên gia cho rằng Iran muốn tránh 1 cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ vì e ngại sức mạnh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo của đất nước Trung Đông phải đối mặt với áp lực rất lớn từ phe bảo thủ rằng cần phải có hành động quyết đoán để đáp lại vụ không kích.
Nếu có bất kỳ công dân Mỹ nào thiệt mạng vì hành động trả đũa của Iran, đó sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Tổng thống Trump và có thể thổi bùng lên một chuỗi các vụ tấn công không thể kiểm soát được ở Trung Đông.
Cái chết của tướng Soleimani, người được coi là 1 vị anh hùng ở Iran, đã thổi bùng lên tâm lý bài Mỹ và lòng yêu nước ngay cả ở những người Iran bình thường sẽ chỉ trích chế độ cầm quyền. "Là 1 người Iran, đối với tôi hành động của Mỹ là không thể chấp nhận được", 1 chủ cửa hàng 36 tuổi nói.
Trong khi đó một số người bày tỏ lo ngại về khả năng đụng độ quân sự, đặc biệt là khi mà nền kinh tế Iran đang phải chịu đựng các lệnh cấm vận của Mỹ. "Tôi không muốn chính phủ trả đũa quá mạnh", 1 nhân viên văn phòng 48 tuổi nói. "Mỹ chỉ đang kiếm cớ để tấn công Iran".
Nhiều công ty Nhật Bản đang đánh giá lại sự hiện diện ở Iran. Những công ty thương mại phục vụ ngành dầu mỏ ở Iran đang thu thập thông tin để quyết định có cần phải đưa nhân viên ra khỏi Iran hay chỉ cần cho họ nghỉ ở nhà.
Japan Tobacco, công ty bắt đầu bán xì gà ở Iran từ năm 2002 và giờ đang chiếm 60% thị phần ở đây, là một trong số đó. Tính đến tháng 10/2018, có 30 công ty Nhật Bản hoạt động ở Iran và có tổng cộng 714 công dân Nhật Bản sống ở đây.
Mitsubishi Motors từng xuất khẩu khoảng 3.000 xe sang Iran trong năm 2016 nhưng gần đây đã ngừng hoạt động này vì thủ tục hải quan quá khó khăn.
Tham khảo Nikkei Asian Review