Đơn cử như Vietcombank thông báo từ ngày 5/7/2019, tạm dừng cung cấp sản phẩm Tiền gửi trực tuyến trên các kênh VCB-iB@nking và VCB-MobileB@nking đối với khách hàng cá nhân người nước ngoài. Khách hàng cá nhân người nước ngoài có thể tiếp tục thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc. Đối với các tài khoản tiền gửi trực tuyến của khách hàng cá nhân người nước ngoài mở trước ngày 5/7/2019, Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục duy trì tài khoản đến ngày đến hạn.
Tại ngày đến hạn, Vietcombank thực hiện đóng tài khoản tiền gửi trực tuyến, chuyển gốc và lãi vào tài khoản thanh toán bằng VND của khách hàng. Trường hợp khách hàng không có tài khoản thanh toán bằng VND hoặc tất cả các tài khoản thanh toán bằng VND của khách hàng bị khóa/khóa chiều ghi có tại thời điểm đóng tài khoản tiền gửi trực tuyến, toàn bộ số dư gốc và lãi trên tài khoản tiền gửi trực tuyến của khách hàng sẽ được Vietcombank giữ hộ và sẽ không được hưởng lãi kể từ ngày đến hạn cho đến ngày khách hàng thực hiện thủ tục rút tiền.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc thông báo và tạm dừng nhận tiền gửi tiết kiệm đối với khách hàng cá nhân người nước ngoài nói trên thực hiện theo quy định của Thông tư 48 quy định về tiền gửi tiết kiệm của NHNN chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2019. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 48 chỉ các đối tượng được gửi tiết kiệm phải là công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 49/2019/TT-NHNN (cũng có hiệu lực từ ngày 5/9), cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM.
“Do Luật Các TCTD sau khi sửa đổi, bổ sung có quy định hai khái niệm “tiền gửi có kỳ hạn” và “tiền gửi tiết kiệm”, nên NHNN tách thành hai Thông tư 48 quy định về tiền gửi tiết kiệm và Thông tư 49 quy định về tiền gửi có kỳ hạn, nhưng về bản chất vẫn không thay đổi”, vị này giải thích.
Đi sâu phân tích để người gửi tiền hiểu rõ hơn về những điểm mới tại 2 thông tư trên, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết, Thông tư 48 và Thông tư 49 đều có những quy định cụ thể về các phương thức giao dịch trong gửi tiền, theo hướng tăng an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng.
Theo đó, cả Thông tư 48 và Thông tư 49 đều có quy định cụ thể về việc xác minh nhân thân người gửi tiền. Theo đó, người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin về người gửi tiền. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình giấy tờ xác minh thông tin của mình. Đối với trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật...
Bên cạnh đó, Thông tư 48 quy định cụ thể về địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, đối với mỗi thẻ tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được phép nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp thẻ hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Trường hợp thực hiện việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm đối với mỗi thẻ tiết kiệm tại nhiều địa điểm giao dịch, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phải có các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và trình độ cán bộ để đảm bảo tiện lợi, chính xác, bí mật, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
Trong khi Thông tư 49 cũng quy định, khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó. Theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, các quy định này sẽ chấm dứt tình trạng một số ngân hàng cho nhân viên đến tận nhà khách hàng VIP để được ủy quyền nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, có thể dẫn đến vụ việc mất mát của người gửi tiền do nhân viên ngân hàng lợi dụng xảy ra trong thời gian gần đây. Mặt khác, theo quy định phòng chống rửa tiền, việc nộp gửi tiết kiệm phải thực hiện tại ngân hàng để xác định nguồn gốc tiền gửi.
“Hoạt động gửi tiết kiệm trực tuyến vẫn triển khai bình thường như hiện nay và khách hàng không phải đến ngân hàng. Vì tiết kiệm trực tuyến ngân hàng đã có hồ sơ pháp lý và định danh khi khách hàng lập thủ tục mở tài khoản trước đó rồi”, vị này khẳng định.
Việc hiểu nhầm trên một phần do các TCTD, một phần người tiếp cận chỉ tập trung ở các quy định của Thông tư 48, mà chưa tìm hiểu thêm quy định tại thông tư có liên quan, tuy nhiên một lần nữa vị lãnh đạo chức năng nhấn mạnh trách nhiệm của TCTD là phải hướng dẫn các thủ tục theo đúng quy định tại hai thông tư trên đảm bảo việc nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn chính xác, an toàn tài sản cho khách hàng và an toàn hoạt động cho TCTD.