Trong khi đó, giá heo bên Trung Quốc cũng giảm còn 11-12 đồng nhân dân tệ/kg (38-43 ngàn đồng).
Trong khi xuất heo sang Trung Quốc bấp bênh, thậm chí trong dài hạn dự báo còn nan giải hơn, bởi ngay tại thị trường nội địa Trung Quốc đã có nhiều công ty chăn nuôi lớn nhanh chóng tăng đàn để giành lấy thị phần, bù đắp sản lượng thiếu hụt sau khi hàng loạt các trang trại chăn nuôi nhỏ tại quốc gia này đóng cửa.
Dự báo đầu năm đến hết quí 2/2018 người chăn nuôi vẫn chưa thoát khổ
Vì thế, lúc này người chăn nuôi chỉ mong chờ vào sức tiêu thụ thịt heo của thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Đoán (PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai), thị trường thịt heo trong nước hiện vẫn còn khủng hoảng thừa dẫn đến dội hàng, dội chợ nên giá thấp.
Theo đó, các công ty lớn như CP, Japfa... có trại nuôi khép kín từ A-Z (sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi) hiện bán ra ở mức 29-30 ngàn đồng/kg heo hơi, thì heo ở các trại ở miền Tây thương lái mua chỉ còn 27 ngàn đồng/kg; ở miền Đông Nam bộ cao hơn miền Tây từ 1-1,5 giá, chỉ mức trên 28 ngàn đồng/kg.
"Đối với con heo, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động giảm đàn từ khi xảy ra khủng hoảng giá vào đầu năm 2017, thì ngay từ tháng 2, 3 của năm 2018 đã cân đối được cung cầu, giá về mức hợp lý. Tuy nhiên, qua thống kê đến cuối năm ngoái tại tỉnh Đồng Nai cho thấy đàn heo vẫn chưa giảm được bao nhiêu, cuối năm 2017 là 2 triệu con. Trong khi, trước đó năm 2015, tổng đàn heo tại đây chỉ có 1,6 triệu con, năm 2016 là 1,7 triệu mà lúc đó thị trường Trung Quốc lại rất hút hàng" - ông Đoán nói.
Theo dự đoán của một chuyên gia ngành chăn nuôi, với tình hình chăn nuôi heo như hiện nay, chỉ sau 3-6 tháng nữa, chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ sẽ không thể cầm cự được nữa. Thay vào đó là các doanh nghiệp lớn FDI “chiếm lĩnh”, bởi họ với tiềm lực tài chính dồi dào trụ lại chờ thị trường phục hồi.
"Trước đây, thị trường Trung Quốc quá hấp dẫn nên mọi người đổ xô nuôi heo. Vì đã trót đầu tư nên họ không dễ rút lui mà phải tiếp tục chăn nuôi. Lúc giá heo xuống đáy, tình hình chăn nuôi ở các trại, hộ gia đình có nơi phá sản do thức ăn chiếm đến 70% giá thành, thế nhưng đàn heo nuôi tại các công ty lớn vẫn không giảm do họ chủ động được nguồn thức ăn, dẫn đến thị trường dư thừa là tất yếu. Thực tế cho thấy từ tháng 2/2018 trở đi, giá heo giảm dần và tình hình này có khả năng kéo dài hết quí 2, người chăn nuôi cũng chưa thoát khổ”, vị này nói.
Tìm hiểu chúng tôi, trong khi giá heo đang “giằng co” ở mức thấp, trái lại tình hình giá nguyên liệu đang có xu hướng tăng cao, đã có một số công ty TĂCN tăng giá ngay từ đầu năm 2018 đến nay lên 100-200 đồng/kg.
Trong khi giá heo "giằng co" ở mức thấp thì giá TĂCN từ đầu năm đến nay đã tăng lên 100-200 đồng/kg |
Ông Phạm Đức Bình (PCT Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam), cho biết nếu giảm được giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) xuống sẽ kéo giá thành chăn nuôi xuống theo. Nhưng để làm được việc này, trước hết trong nước phải đáp ứng được nguồn nguyên liệu chế biến TĂCN do lâu nay phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu với đủ loại chi phí rất cao. Chỉ riêng phí vận chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam tùy khu vực mà mất từ 60-100 USD/tấn. Ngoài ra, sau khi về tới cảng thì các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu còn phải tốn thêm phí lưu kho ở cảng, bốc dỡ, rồi vận chuyển về nhà máy.
Theo ghi nhận, mỗi năm các DNSX TĂCN trong cả nước phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn nguyên liệu các loại như bắp, đậu nành, trị giá 3,3-3,5 tỉ USD, bình quân mỗi tháng, các DN nhập hàng trăm triệu USD. Như tháng 1/2018, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt 336 triệu USD, tăng đến 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do sản lượng trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy.
Chưa kể, giá nguyên liệu trong nước không ổn định nên các nhà máy thường chọn nguyên liệu nhập khẩu. Theo các DN, để giảm được giá thành chăn nuôi cần phải có nhà nước tham gia tạo nên vùng nguyên liệu đủ lớn cho ngành SX TĂCN, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Những vấn đề này sẽ đặt thị trường vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ, khi yếu tố giá thành và khả năng trường vốn trở thành then chốt cho chiến lược dài hơi chờ đến khi thị trường khôi phục.
"Điều người chăn nuôi lo lắng nhất hiện nay là ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Việc nhập khẩu các mặt hàng này chủ yếu vẫn nằm trong tay các tập đoàn lớn của nước ngoài và đang có dấu hiệu bị thao túng" - Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Thương mại DVSX và Chăn nuôi Thanh Đức, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. |
|