Đối với nhà kinh doanh lợn Fang, việc phát hiện dịch cúm lợn châu Phi đang đe dọa ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc hồi tháng trước đã khiến công việc kinh doanh vốn đang tốt đẹp của anh bị đình trệ một cách bất ngờ.
Từ tỉnh đông bắc Liêu Ninh, hàng ngày Fang sử dụng để xe tải để chở hơn 600 con lợn tới Quảng Đông, nơi xa xôi cách đó khoảng 2.700km về phía Nam. Nhưng sự bùng nổ của căn bệnh rất dễ lây lan đồng nghĩa với việc vận chuyển lợn ra khỏi Liêu Ninh đã bị cấm.
Fang cho biết 30 công nhân của anh đang nghỉ phép và anh không biết khi nào công việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hồi phục.
"Tôi đã kinh doanh lợn 16 năm nay và chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này", ông nói.
Thứ 5 tuần trước, Trung Quốc đã ghi nhận ổ dịch thứ mười chỉ trong hơn một tháng. Những nỗ lực để kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh bằng cách cấm vận chuyển các con lợn sống từ và qua các khu vực bị nhiễm đã khiến những người buôn lợn phải ngồi im, các trang trại điên đầu với lợn, và các lò giết mổ thiếu hàng dự trữ.
Nó cũng đẩy giá thịt lợn ở miền đông nam Trung Quốc tăng cao đúng lúc nhu cầu tăng lên trước kỳ nghỉ kéo dài một tuần vào tháng 10 tới. Rất có thể Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu thịt lợn.
Từ trước đến nay Trung Quốc vẫn tự cung tự cấp về thịt lợn, nhưng chiến dịch giải quyết ô nhiễm được Chính phủ nước này triển khai trong những năm gần đây đã buộc nhiều người chăn nuôi ở miền nam phải đóng cửa, trong khi những người ở phía đông bắc mở rộng để tận dụng sự hỗ trợ của chính phủ và lượng ngũ cốc dồi dào.
Tuy nhiên, phía nam vẫn là nơi có số lượng lớn cơ sở giết mổ, trong khi người tiêu dùng thích thịt lợn mới chế biến để đảm bảo độ tươi ngon. Các chuyên gia ước tính hơn 30.000 con lợn được chở ra khỏi miền bắc của nước này mỗi ngày.
Đau đầu giải quyết vấn đề vận chuyển
Những biện pháp hành chính hạn chế vận chuyển lợn đang làm tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp tạo ra 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tại một trang trại chăn nuôi ở thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, khoảng 8.000 con lợn bị mắc kẹt trong các chuồng nuôi, không thể đến tay người tiêu dùng bên ngoài thành phố, một công nhân giấu tên cho biết. "Chúng tôi có hàng ngàn con heo con sẽ sớm quá già để bán", bà nói.
Và trong khi hàng tồn kho đầy rẫy ở phía bắc, các lò mổ ở phía nam đang phải vật lộn tìm đủ lợn để cung cấp ra thị trường. Một công nhân tại Công ty TNHH chế biến và giết mổ Zhouzhuang có trụ sở gần Vô Tích ở phía đông tỉnh Giang Tô cho biết chính phủ trong tuần này đã cấm tìm nguồn cung cấp lợn từ bên ngoài thành phố.
"Vô Tích không còn lợn dự trữ nữa. Trong hai hoặc ba ngày nữa, chúng tôi sẽ không còn gì để giết mổ," ông nói.
Tình hình đã đẩy khoảng cách giữa giá cả ở phía bắc và phía nam tăng cao gấp ba lần mức bình thường, các thương nhân cho biết.
Giá lợn hơi trung bình tại Liêu Ninh giảm xuống còn 12,02 nhân dân tệ (1,76 đô la Mỹ)/kg hôm thứ ba, không đủ để kiếm lời, một người nông dân ở Thẩm Dương cho biết.
Tuy nhiên, ở phía đông nam tỉnh Chiết Giang, giáp ranh với trung tâm Thượng Hải, giá tăng vọt lên 17,74 nhân dân tệ/kg trong tuần này, tăng 23% kể từ đầu tháng Tám.
Phương án nhập khẩu
Cho đến nay, Bắc Kinh dự đoán giá thịt lợn chỉ tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, niều chuyên gia dự đoán tình hình rất phức tạp bởi Chính phủ không có khả năng kiểm soát dịch bệnh này khi mà hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh còn có nhiều lỗ hổng.
Điều đó có thể dẫn đến việc Trung Quốc phải tăng lượng thịt lợn nhập khẩu, Pan Chenjun, nhà phân tích cao cấp tại Rabobank cho biết.
"Tôi nghĩ rằng với mức giá tăng cao ở nhiều khu vực, Trung Quốc sẽ sớm phải nhập khẩu thêm thịt lợn. Đã có một vấn đề về cung ứng ở phía nam và các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải," cô nói.
Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn trong năm ngoái, theo số liệu hải quan Trung Quốc, trong tổng số tiêu thụ khoảng 55 triệu tấn.
Soeren Tinggaard, phó chủ tịch Danish Crown, nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất châu Âu, cho biết công ty chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng nhưng sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ.
Fang, nhà cung ứng tại Liêu Ninh, cho biết ông dự kiến kinh doanh sẽ cải thiện nếu việc cấm tại các tuyến đường vận chuyển ở Liêu Ninh được dỡ bỏ vào cuối tháng. Thông báo ban đầu là lệnh cấm có hiệu lực trong 6 tuần.
Tuy nhiên, với năm vụ mới phát sinh trong bốn ngày qua, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng các quy định hạn chế sẽ không sớm được dỡ bỏ.