Sau nhiều năm trồng cà phê không hiệu quả, bà Lê Thị Lộc quyết định từ bỏ mảnh vườn để liều nuôi dế. Trải qua nhiều khó khăn, bà Lộc đã thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ loài côn trùng này.
Ba năm trước, bà Lê Thị Lộc (54 tuổi, thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) rầu rĩ nhìn vườn cà phê cứ liên tục mất mùa, mất giá khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Trong một lần lướt trang thông tin của hội nhóm khởi nghiệp trên mạng xã hội, bà Lộc rất quan tâm đến mô hình nuôi dế. Thời điểm đó, dế ở Gia Lai còn mới mẻ nhưng bà Lộc vẫn quyết định mày mò tìm hiểu để nuôi.
Bà Lộc chia sẻ: "Loài dế này còn mới mẻ ở Gia Lai, thời gian nuôi cũng ngắn hạn, chỉ từ trên 2 tháng là có thể xuất bán. Lúc đó, tôi đã mò mẫm qua sách báo, internet, hội nhóm, tham quan trang trại nuôi dế để có thể tích lũy được kỹ thuật, cách chăm sóc loài dế này".
Giữa năm 2019, bà Lộc quyết định đặt giống trứng dế mèn từ thành phố Pleiku (Gia Lai) về nuôi. Thời gian đầu, bà Lộc nuôi thử nghiệm 2 chuồng trứng dế giống, với vốn chỉ hơn 1,6 triệu đồng. Khi mang giống về, bà được chồng và các con ủng hộ nên tâm huyết của bà đều dành vào những chuồng dế.
Sau hơn 2 tháng nuôi thử nghiệm, mô hình dế mèn của bà Lộc bước đầu phát triển. Những lứa dế đầu tiên của bà đã đẻ trứng và đủ tuổi xuất bán. Tuy nhiên với số lượng dế thịt thương phẩm ít, bà không mang đi bán mà để lại dùng ăn trong nhà và biếu người thân.
Còn trứng dế, bà tiếp tục nuôi và mở rộng lên 5 chuồng để tiện chăm sóc. Nhưng khi nuôi với số lượng dế ổn định, bà lại gặp khó khăn vì thời tiết. 5 chuồng dế của bà chết phân nửa do thời tiết quá nóng. Bà không kiểm soát được nhiệt độ trong chuồng. Sau khi nhờ người nuôi dế lâu năm ở miền tây hướng dẫn, bà Lộc đã nắm được phương pháp kiểm soát nhiệt độ trong chuồng bằng cách lấy những tấm bạt che và phun nước trong chuồng để giữ ẩm cho dế.
Khi đã kiểm soát được nhiệt độ trong chuồng, dế của bà Lộc tiếp tục sinh trưởng ổn định. Từ đó, bà nhân rộng số lượng chuồng dế nhiều hơn và chăm sóc tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra chuồng trại.
Theo bà Lộc, dế là loài dễ nuôi và ít bệnh nhưng sức đề kháng kém. Vì vậy, chuồng trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, không để ẩm mốc.
"Trước đây, tôi thường tận dụng số rau xanh còn thừa ở chợ làm thức ăn cho dế. Sau khi ăn, vụn bẩn còn sót lại khiến chuồng trại ẩm mốc gây bệnh cho dế. Từ đó, tôi thường xuyên dọn chuồng để giữ sạch sẽ", bà Lộc cho biết.
Được biết, dế là loài không cần nước nhiều. Khi cho dế ăn, người nuôi chỉ cần phun sương nhẹ lên thức ăn là đủ. Đối với loại dế nhỏ thì không cần phun sương. Để nguồn thức ăn cho dế được đảm bảo, bà Lộc đã tự trồng sắn (lấy lá) và mía trong vườn làm thức ăn cho dế. Ngoài ra, bà còn mua thêm cám gà con cho dế ăn.
Theo bà Lộc, khi mua trứng dế về, khoảng 7-10 ngày là trứng nở, khi nở thì người nuôi phải chăm sóc kĩ càng. Người nuôi chỉ cần nuôi dế khoảng 25-30 ngày là có thể bán dế chim. Nuôi dế từ 45-60 ngày đối với mùa nóng, còn mùa lạnh là 70 ngày là có thể khai thác trứng và xuất bán dế thương phẩm.
Ngoài ra, người nuôi cần chú ý không nên nuôi dế quá lâu bởi tuổi thọ của loài dế chỉ trong vòng 60-70 ngày trở lại, quá thời gian đó dế tự chết vì quá già. Bên cạnh đó, phân dế người nuôi có thể dùng làm phân hữu cơ lấy bón cho cây trồng.
Mô hình nuôi dế của bà Lộc sản xuất theo quy trình khép kín từ giai đoạn đẻ trứng, ấu trùng, dế con, dế sữa đến dế trưởng thành. Khi dế đẻ trứng 2 đợt, bà Lộc lựa những chuồng dế đạt chuẩn rồi đem qua khâu sơ chế dế để xuất bán.
"Trong quy trình sơ chế, tôi lựa những chuồng dế đạt chuẩn, rồi cho ăn cây mía trong vòng 2 ngày để làm sạch ruột dế. Sau đó, tôi rửa sạch nhiều lần số lượng dế đạt chuẩn và đem đi hấp với sả, gừng. Khi hấp xong, đóng gói dế trong bì có trọng lượng 0,5kg và để đông trong tủ lạnh", bà Lộc cho hay.
Đến nay, mô hình nuôi dế của bà Lộc đã phát triển lên 100 chuồng, bình quân mỗi chuồng nuôi đạt cho ra khoảng 20-30 kg dế thương phẩm, còn trứng dế là từ 18-20 kg.
Hiện nay, dế thương phẩm đang có giá từ 55.000-70.000 đồng/kg, còn trứng dế giống là 70.000-100.000 đồng/kg. Theo đó, mỗi năm bà Lộc thu lãi hơn 500 triệu đồng. Từ đó giúp cho kinh tế gia đình ổn định.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm dế của bà Lộc chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có các tỉnh, thành khác nhập số lượng dế thương phẩm lớn như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên…
Để tìm được khách hàng mua, bà Lộc được con trai và con gái hỗ trợ tìm kiếm khách hàng trên mạng xã hội thông qua các hội nhóm nuôi dế. Đồng thời, bà còn liên kết với các hộ dân nuôi dế ở các tỉnh bạn để chia sẻ và hỗ trợ nhau trong việc phát triển loài dế này.
Bà Lộc cũng cho biết thêm, kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi dế nếu đầu ra ổn định. Đặc biệt, bà Lộc mong muốn những ai có nhu cầu nuôi dế, bà sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, bao tiêu sản phẩm và giúp họ có kinh tế ổn định.
(Theo Dân Trí)