'Ăn theo' chủ đề 'hot', nói những lời nói dối, câu chuyện giả (fake news) nhưng lại khiến dư luận phải xôn xao từ lâu là một chiêu trò được nhiều kẻ lợi dụng để trở nên nổi tiếng. Thường thì mọi thứ bắt đầu khi một câu chuyện kịch tích, cảm động, hoặc đầy phẫn nộ...xuất hiện trên truyền thông, được công chúng quan tâm và chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Người kể ra câu chuyện đó - nhân vật trung tâm của câu chuyện, đồng thời là những kẻ bịa đặt - từ một thế giới không ai biết là ai bỗng chốc được người ta nhắc đến rất nhiều. Họ có thể bị tranh luận, hoặc được ca ngợi, nhưng điều quan trọng là đã nổi tiếng. Từ đây, những kẻ này có thể tận dụng hình ảnh của mình để kinh doanh, hoặc trở thành người có ảnh hưởng trong cộng đồng.
Ở Việt Nam, người ta đang nghi hoặc cô gái S.B.N, người tự giới thiệu từng bị xâm hại tình dục, đã tận dụng chủ đề về ấu dâm và bịa đặt hẳn một câu chuyện kịch tính 'như phim' về cô bé 17 tuổi nào đó bị cha lạm dụng rồi còn được chính cha nhắn tin cảm ơn. Trong clip chia sẻ, câu chuyện S.B.N nói ra, với những chi tiết rất nhạy cảm, đã khiến dư luận không thể không lắng nghe và thực sự trở thành chủ đề nóng mấy ngày vừa qua.
Nhìn lại lịch sử truyền thông thế giới, người ta cũng thấy những câu chuyện tương tự như của cô gái S.B.N. Đó là một vụ việc bị phát giác năm 2007 về một người phụ nữ có tên Alicia Esteve Head, hay Tania Head. Sinh ra tại Tây Ban Nha, thế nhưng bà này rút cục lại trở nên 'nổi như cồn' nhờ câu chuyện thoát chết thần kỳ sau vụ khủng bố 11/9 tại đất Mỹ.
Năm 2003, truyền thông đã ca ngợi chuyện của bà Head là 'đầy tính anh hùng, lãng mạn, dũng cảm... biểu tượng cho tính nhân văn của con người thời kỳ hậu khủng bố'. Đến 6 năm sau, trong làn sóng phẫn nộ của dư luận, bà Head xuất hiện đồng loạt trên mặt báo với dòng tít: 'Vụ lừa bịp lớn nhất lịch sử truyền thông'.
Một câu chuyện 'đầy tính lãng mạn, tang thương, oai hùng' đưa một người phụ nữ thành người nổi tiếng trên truyền thông
Trong 2 năm kể từ ngày đen tối 11/9/2001, khi 2 chiếc máy bay lao vào tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), nước Mỹ đang phải giải quyết hậu quả nặng nề của vụ khủng bố: xoa dịu thân nhân của những nạn nhân đã ra đi. Đối với giới truyền thông nước Mỹ lúc đó, những câu chuyện 'hậu 11/9' trở thành một chủ đề rất 'viral', vì người ta muốn tìm lấy những giá trị nhân văn cao đẹp sau khi đã nếm trải đủ những tang thương.
Bà Tania Head dường như cũng muốn góp câu chuyện của mình vào trào lưu đó. Nhà làm phim tài liệu Angelo Guglielmo kể rằng, ông đã gặp bà Head khi bà đăng ký làm tình nguyện tại Ground Zero. Họ trở thành bạn và bà Tania đã kể cho ông này nghe 'câu chuyện 11/9' của mình.
Head cho biết bà đã làm việc tại chi nhánh Merrill Lynch của ngân hàng nước Mỹ. Văn phòng của bà ở trên tầng 78 tòa phía Nam của WTC, còn vị hôn phu của bà, Dave, làm ở tòa phía Bắc. Bà kể rằng khi chiếc máy bay đâm vào tầng 78, cánh tay bà bị bỏng còn bà thì ngất đi. Khi tỉnh lại, Head thấy rất nhiều người chết xung quanh mình, một số khác bị kẹt trong đống đổ nát.
"Tôi nhìn xung quanh, mọi thứ giống như cảnh trong bộ phim kinh dị. Mọi người tập trung ở một chỗ. Mùi da thịt cháy và nhiều người nôn ọe" - Người phụ nữ kể lại. Không giống như những người sống sót khác, phải nói rằng bà Head có sự miêu tả khá chi tiết về sự tang thương trong ngày 11/9.
Điểm nhấn của câu chuyện xảy ra trong lúc tìm đường thoát, một người đàn ông đang hấp hối bỗng đưa bà chiếc nhẫn cưới của ông và nhờ bà đưa cho vợ ông ấy, nếu bà Head còn sống thoát ra ngoài.
Nghe tới đây, khao khát sống của bà Head bỗng trỗi dậy. Theo lời bà thì ở khoảng khắc cận kề với cái chết ấy, bà đã nghĩ tới Dave, nghĩ về hôn lễ và ước muốn được khoác chiếc váy cưới màu trắng. Những ý nghĩ cao đẹp làm tan chảy người nghe câu chuyện này đã trở thành động lực thôi thúc bà đứng dậy và buộc phải tìm đường sống.
Sau đó, một cách kỳ diệu, bà Head đã leo xuống được 78 tầng lầu. Ngay khi vừa thoát ra thì tòa nhà phía Nam đổ sập. Tỉnh dậy trong bệnh viện với một vết bỏng trên cánh tay, bà khẳng định đó là ngày 17/9. Vụ khủng bố khủng khiếp đã làm bà hôn mê gần 1 tuần trời.
Tuy nhiên, chi tiết cảm động nhất khiến cho cả nước Mỹ không thể cầm lòng chính là việc vị hôn phu Dave đã chết sau khi tòa tháp phía Bắc đổ sục cùng lúc với tòa phía Nam. Như thế, niềm hy vọng duy nhất giúp bà Head sống sót rút cục lại trở thành một tấm bi kịch và thủ phạm gây ra tấm bi kịch đó chính là những tay khủng bố - Đây chính là điều mà người Mỹ muốn thấy.
Đã có một vài điểm bất thường trong chuyện của bà Head được chỉ ra sau đó. Ví dụ, bà từ chối xác nhận thi thể của Dave và từ chối đưa gia đình Dave gặp giới truyền thông, với lời giải thích rằng bà muốn bảo vệ bí mật cho gia đình Dave. Tuy nhiên, nói chung thì mọi người đều tin vào câu chuyện 'vừa lãng mạn, vừa tang thương, vừa oai hùng' này, nhất là khi họ nhìn thấy vết bỏng trên cánh tay của Head. 2 năm sau 11/9, nước Mỹ cần một thứ gì đó nhân văn và chuyện của bà Head làm được điều đó!
Còn về phía bà Head, nhờ câu chuyện cảm động đấu tranh cho sự sống, bà bổng nổi lên như một biểu tượng rực rỡ của hy vọng và sức sống. Với danh tiếng này, những nạn nhân còn sống đã tìm đến bà, bày tỏ sự ngưỡng mộ và mời người phụ nữ này vào vị trí Chủ tịch 'Hội những người thoát chết khỏi tòa tháp đôi ngày 11/9'. Bà Head sau đó xuất hiện tích cực trên truyền thông và giao giảng về cách vượt qua đau thương tìm lại nghị lực sống.
Bóc trần: Dối trá tất cả trong 4 năm
Tuy nhiên, những vụ lùm xùm sau đó đã bắt đầu xảy ra và người ta đã nghi ngờ về tính chân thực của câu chuyện. Mãi đến năm 2007, người Mỹ mới nhận ra giới truyền thông nước này đã chịu một cú 'lừa phỉnh' quá lớn.
Số là vào năm 2007, tờ New York Times muốn viết lại câu chuyện về một người sống sót sau vụ 11/9. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng Head là người phù hợp nhất. Tuy nhiên, bà đã từ chối phỏng vấn với lý do: "Tôi không thể làm vậy vì tôi không phải công dân Mỹ". Hóa ra, bà là người Tây Ban Nha - một chi tiết mà bà chưa từng công bố trong suốt 6 năm qua..
Sau đó, các nhà nghiên cứu của tờ New York Times bắt đầu tìm hiểu thông tin về người phụ nữ này. Họ phát hiện ra rất nhiều chi tiết bất thường. Tên thật của bà thực ra là Alicia Esteve Head. Ngân hàng Mỹ, chi nhánh Merrill Lynch xác nhận Head cũng không phải nhân viên của họ.
Điều ngạc nhiên hơn là khi điều tra gia đình Dave, họ nói rằng họ chưa bao giờ nghe thấy con trai mình nhắc về Tania Head. Người ta phát hiện ra rằng, Tania Head chỉ chọn ra 'Dave' như là một cái tên bất kỳ của trong các nạn nhân vụ 11/9 và bịa đặt nên câu chuyện của mình. Ngoài ra, thông tin người phụ nữ này từng học tại Harvard hay Stanford cũng là sai.
Câu chuyện bị bóc trần
Sau đó vài ngày, báo La Vanguardia, ở Barcelone (Tây Ban Nha), cho biết sự thật về Tania Head với tựa đề " Kẻ phỉnh lừa là người Barcelone". Sự thật là Tania Head không hề có mặt tại New York khi 11/9 xảy ra. Người phụ nữ này tên thật là Alicia Esteve Head, sinh năm 1973 và thuộc một gia đình khá giả ở Barcelone.
Anh của Alicia từng dính líu vào một vụ lường gạt năm 1992, bị kết án 6 năm tù năm 1994. Từ đó, mẹ và Alicia đã sống cách ly với 2 người còn lại trong gia đình. Tháng 9/2001, Alicia ghi tên học trường thương mại Esade ở Barcelone với tay phải bị liệt vì tai nạn xe hơi. Sau khi tốt nghiệp tháng 7/2002, Alicia đã bặt vô âm tín tại Barcelone và từ cuối năm 2003 thì bất ngờ xuất hiện trên truyền thông Mỹ với câu chuyện 'như phim'.
Về sau này, người ta cũng không nghe thêm gì về tung tích của người phụ nữ này nữa.
Tờ New York Times sau đó đã đăng một bài bóc trần sự thật về người phụ nữ này. Không chịu nổi sức ép dư luận, Tania Head hay Alicia đã biến mất hoàn toàn. Đến năm 2008, một lá thư nặc danh gửi đến 'Hội những người thoát chết khỏi tòa tháp đôi ngày 11/9' nơi bà Head từng làm Chủ tịch nói rằng, bà đã tự tử. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng thông tin và nhiều người cũng không quan tâm người phụ nữ đã lừa đảo cả nước Mỹ trong suốt 4 năm này nữa.