Sinh ra tại một ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Nam, Zhou đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió: Mẹ mất khi mới 5 tuổi, cha bị mù và gặp tai nạn trong nhà máy. Ngay từ nhỏ, Zhou phải học cách tự chăm sóc bản thân và tìm cách kiếm bữa ăn qua ngày.
Năm 16 tuổi, bà buộc phải nghỉ học để đến thành phố Thâm Quyến làm việc tại một nhà máy sản xuất kính đồng hồ năm 1986 với mức lương 1 USD/ngày. Sau thời gian làm việc chăm chỉ, bà được thăng chức làm giám đốc bộ phận sản xuất. Tuy nhiên, tham vọng của bà không dừng lại ở đó.
Zhou Qunfei hồi trẻ.
Năm 1993, với khoản tiết kiệm 20.000 đô la Hong Kong (tương đương gần 3.000 USD), Zhou cùng 8 thành viên khác trong gia đình thành lập công ty sản xuất kính đồng hồ ngay tại một căn hộ 3 phòng ngủ ở Thâm Quyến. Đây là nơi làm việc và cũng là nơi sinh hoạt của họ.
10 năm sau, Zhou đã xây dựng một nhà máy chế tạo kính đồng hồ có hơn 1.000 nhân viên. Tuy công ty tăng trưởng ổn định như sự nghiệp của bà chỉ thực sự thay đổi khi bắt đầu sản xuất màn hình cho điện thoại di động. Năm 2003, Zhou nhận được cuộc gọi từ Motorola hỏi rằng liệu bà có muốn trở thành nhà cung cấp của họ không.
Chớp lấy cơ hội này, bà đã mở rộng công việc kinh doanh của mình ra phạm vi quốc tế. Đến nay, đế chế Lens Technology đã sản xuất màn hình cho hàng tỷ chiếc điện thoại của Apple, Samsung và Huawei. Công ty cũng là nhà cung cấp của hãng xe điện Tesla của Mỹ.
Một công nhân tại nhà máy của Lens Technology.
Zhou cho rằng thành công của bà chủ yếu là nhờ sự kiên trì. Theo bà, một trong những thử thách lớn nhất bà từng gặp phải là khi đánh bại các đối thủ để giành được hợp đồng với Motorola năm 2003.
Thời điểm đó, tuy tình hình tài chính của công ty chưa thực sự linh hoạt nhưng Zhou vẫn muốn đảm bảo thỏa thuận được thực hiện một cách suôn sẻ nhất. Vì thế, bà đã bán nhà cùng nhiều vật dụng có giá trị để đáp ứng nhu cầu của hợp đồng. Mặc dù vậy, Zhou vẫn thiếu kinh phí và cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.
Nữ doanh nhân thừa nhận đó là khoảnh khắc đen tối nhất trong sự nghiệp kinh doanh của bà. Zhou kể lại: "Tôi từng đứng ở nhà ga Hung Hom ở Hong Kong và có ý định nhảy xuống để tự tử. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình không còn nữa thì mọi rắc rối cũng sẽ biến mất".
Nhưng rồi cuộc điện thoại của con gái đã kéo Zhou trở về thực tại. Bà nhận ra rằng mình không thể bỏ cuộc mà phải tiếp tục cố gắng vì gia đình và hàng nghìn nhân viên của mình. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của Motorola, Zhou đã vượt qua được những khó khăn về tài chính.
Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu sản phẩm cho riêng mẫu điện thoại V3 của Motorola. Đến năm 2007, công ty đã đánh bại các đối thủ khác để trở thành nhà cung cấp chính cho Apple.
Tháng 3/2015, 22 năm kể từ khi thành lập, công ty đã chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Hiện Lens Technology có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau cùng hơn 90.000 nhân viên và được định giá hơn 11 tỷ USD.
Lens Technology IPO năm 2015.
Trả lời phỏng vấn CNBC Make It, Zhou đã chia sẻ 3 lời khuyên để đạt được thành công rút ra từ kinh nghiệm cá nhân:
1. Chuẩn bị tốt
Theo bà, các doanh nhân luôn cần phải chuẩn bị sẵn cho tương lai: "Trước tiên, hãy cải thiện khả năng cạnh tranh. Thứ hai, bạn phải có thần kinh thép. Thứ ba, đừng quên củng cố hiểu biết về thị trường và đối thủ cạnh tranh. Bạn phải có đủ bản lĩnh để đối mặt với thất bại. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong trường hợp bị đối tác từ chối".
2. Không ngừng học hỏi
Zhou nói: "Khách hàng sẽ không trả thêm tiền cho sản phẩm chỉ đơn giản vì bạn có bằng cấp cao, nhưng nắm vững kiến thức kinh doanh sẽ giúp bạn duy trì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bản thân tôi từng tham gia các khóa học bán thời gian trong khi làm công nhân nhà máy và có chứng chỉ về kế toán, vận hành máy tính và thậm chí là bằng lái xe tải. Khi không ngừng học hỏi, bạn sẽ có khả năng phát triển".
3. Không bao giờ bỏ cuộc
Theo Zhou, nhiều người sẽ cảm thấy nhụt chí khi thất bại. Tuy nhiên, chìa khóa để thành công lại nằm ở việc kiên trì, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Để xây dựng tinh thần làm việc nhóm, Zhou từng đưa 20 nhân viên trong nhóm điều hành công ty đi leo một ngọn núi cao hơn 1.500 mét (so với mực nước biển). Một số người muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng bà đã cương quyết yêu cầu họ hoàn thành chuyến hành trình đặc biệt đó.
Zhou chia sẻ: "Nếu bỏ dở giữa chừng, bạn sẽ không có đủ dũng khí để quay lại và bắt đầu lại từ đầu, bạn sẽ vẫn bỏ cuộc. Chỉ khi kiên trì vượt qua trở ngại, bạn mới có thể đạt được thành công".