Kết nối 5G dự kiến sẽ đi kèm với băng thông rộng hơn. Về cơ bản, 5G có thể mang lại tốc độ Internet di động lớn hơn nhiều, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí. Trên hết, 5G cũng mang đến độ trễ phản hồi thấp hơn nhiều, nghĩa là hệ thống sẽ phản hồi dữ liệu đầu vào nhanh hơn và chính xác hơn, đặc biệt quan trọng đối với các thiết bị cần lượng dữ liệu lớn.
Trong 5 năm qua, khu vực ASEAN rất tích cực trong việc triển khai các công nghệ mới nhất như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, điện toán đám mây và fintech. Tuy nhiên, để các công nghệ này thực sự đạt được tiềm năng tối đa của chúng, cần một nền tảng viễn thông với tốc độ cao hơn bây giờ rất nhiều. 5G chính là câu trả lời cho bài toán đó.
Giống như cách mà 3G và 4G cách mạng hóa các dịch vụ truyền hình trực tuyến, việc ra mắt 5G ở Đông Nam Á có thể tạo ra các ngành công nghiệp và công nghệ mới.
Ví dụ, độ trễ là chìa khóa trong việc thiết lập các phương tiện tự hành và hệ thống xe tự lái. Những phương tiện này xử lý một lượng lớn dữ liệu về các yếu tố ngoại cảnh, trao đổi dữ liệu với đèn giao thông và cả với các phương tiện khác; do đó độ trễ trong việc phản hồi dữ liệu có thể là sự sống còn của xe tự lái. Tại Singapore, các nhà chức trách đã nói rằng họ đang lên kế hoạch cho các thử nghiệm xe không người lái và xe tự hành trên mạng thử nghiệm 5G.
Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ Internet và dịch vụ di động ở Đông Nam Á chỉ cung cấp internet 3G hoặc 4G. Tuy nhiên, trong tương lai mạng 5G sẽ xuất hiện cải cách toàn bộ hệ thống viễn thông Đông Nam Á. Các quốc gia trong khu vực đã có kế hoạch triển khai 5G. Malaysia đã bắt đầu chạy thử nghiệm mạng 5G. Campuchia và Thái Lan cũng đã thông báo rằng họ kỳ vọng 5G sẽ được triển khai ở nước họ vào năm 2021.
Mới đây, hai nhà cung cấp mạng di động Indonesia là Telkomsel và XL đã tiến hành thử nghiệm 5G ở Đại hội thể thao châu Á 2018. Công ty viễn thông Smart Philippines của Philippines đã công bố kế hoạch triển khai mạng thử nghiệm 5G trong nửa đầu năm tới, trong khi Globe Telecom cho biết, mạng 5G có thể có mặt sớm nhất là vào quý hai năm 2020.
Dự án thí điểm 5G Singapore tại quốc gia đầu tàu Đông Nam Á dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Tại Việt Nam, Viettel đã được cấp phép thử nghiệm 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội
Thành phố thông minh
Một nửa dân số Đông Nam Á hiện nay cư trú ở khu vực thành thị. Đến năm 2030, các đô thị lớn trong khu vực dự báo sẽ tăng thêm 90 triệu người so với hiện nay. Đô thị hóa nhanh như vậy có thể có tác động đối với các vấn đề quan trọng như giao thông, chất lượng nước, không khí, và nhà ở.
ASEAN đang tìm đến những giải pháp công nghệ. Năm ngoái, ASEAN đã triển khai Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN xác định 26 thành phố thí điểm tích hợp các giải pháp công nghệ.
Để thực hiện các giải pháp công nghệ như vậy, Internet 5G là điều cần thiết. Một thành phố thông minh cần truyền tải lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng. Hệ thống giao thông vận tải sẽ kết nối với các thiết bị thời tiết. Đến thời điểm đó, Internet sẽ là trung tâm của tổ chức xã hội loài người.
Việc triển khai 5G ban đầu sẽ rất khó khăn vì chi phí triển khai có thể cao do cơ sở hạ tầng mới cần được xây dựng. Cũng có những lo ngại rằng các công ty viễn thông có thể sẽ đặt giá cao hơn cho 5G. Nhưng chắc chắn rằng 5G có thể khiến ASEAN bắt kịp thế giới nhanh hơn rất nhiều.