Trong khi đó, nhà đầu tư bắt đầu bán tháo mọi loại tài sản liên quan đến Nga và các quỹ phòng hộ nhanh chóng đặt cược ngược lại. David Amaryan đã mua cổ phiếu của các gã khổng lồ ngành năng lượng Rosneft, Lukoil và Gazprom. Ngoài ra, ông cũng mua cổ phiếu của các ngân hàng như Sberbank và một số nhà bán lẻ, công ty khai thác tại Nga.
Khi đợt mua cổ phiếu của Amaryan kết thúc, tỷ trọng của cổ phiếu Nga trong danh mục của công ty ông đạt khoảng 55% trong số 250 triệu USD, tăng cao so với mức 30-35% trước cuộc xung đột.
Các nhà đầu tư săn lùng "món hời" thường ưa thích việc mua vào khi người khác đang bán ra. Sự thúc đẩy này đã mang lại "trái ngọt" trên TTCK Mỹ, khi Dow Jones giao dịch cao gấp 291 lần so với mức năm 2008. Tuy nhiên, Nga lại là một trường hợp khác khi quốc gia này đang chịu những lệnh trừng phạt của phương Tây. Còn TTCK Nga đã mất rất nhiều giá trị.
Những nhà đầu tư lớn như Vanguard Group và Fidelity International đang chờ đợi để tìm cách "thoát hàng" với hy vọng không mất toàn bộ số vốn đã bỏ ra. Dẫu vậy, Amaryan lại không có kế hoạch bán ra. Ông tin rằng chứng khoán Nga vẫn có thể đầu tư dù vẫn đang sụt giá mạnh.
Diễn biến này đang cho thấy cảnh một thị trường Nga đang bị các trung tâm tài chính thế giới cô lập và bị chi phối bởi những nhà đầu tư săn lùng "món hời" như Amaryan. Ông cho hay: "Chúng tôi không nhìn mọi thứ theo màu hồng. Mọi thứ đều rất khó khăn, chỉ là chúng tôi dám dấn thân."
Balchug Capital của Amaryan được đăng ký tại Armenia – nơi ông sinh ra, song hiện ông đang sống và làm việc tại Moscow. Nguồn tin thân cận tiết lộ, cổ phiếu Nga chiếm trung bình tới 70% lợi nhuận của Balchug vào năm ngoái. Công ty này có 11 nhân sự ở Moscow và 5 nhân sự ở Yerevan (Armenia).
David Amaryan trong phòng làm việc.
Amaryan bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính ở Phố Wall. Năm 2003, ông rời New York để đến Moscow và gia nhập Citigroup – nơi ông làm tư vấn cho các cá nhân siêu giàu. Sau đó, ông lại chuyển sang một ngân hàng đầu tư khác hiện đã được Sberbank mua lại.
Amaryan thành lập công ty riêng là Copperstone Capital vào năm 2010. Công ty này gặp khó khăn khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cáo buộc họ và các quỹ khác giao dịch nội gián. Amaryan đã phải nộp phạt 10 triệu USD vào năm sau nhưng không thừa nhận hành vi sai trái. Sau đó, ông đổi tên công ty thành Balchug và không bị cấm hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Công ty này đã đầu tư mạnh tay vào TTCK Ng sau khi nhà đầu tư "xa lánh" thị trường này sau vụ sáp nhập với Crimea năm 2014. Năm 2019, khoảng 80% tài sản của Balchug được đầu tư vào Nga, thông bao thị trường Nga và các giao dịch tại New York, London. Amaryan đã đổ tiền vào các doanh nghiệp ngành dầu và thép. Tỷ trọng của cổ phiếu Nga đã tăng lên 46% trong năm đó nhưng đã chốt lời phần nào khi đại dịch xảy ra.
Năm 2021, Amaryan sẵn sàng trở lại Nga. Giá hàng hóa tăng cao và công ty này đã có lợi nhuận tốt từ việc đầu tư kim loại, cùng các công ty khai thác mỏ của Nga. Một trong số đó đã chi trả cổ tức tới 15% và thị trường này giao dịch ở mức thấp hơn 30-35% so với các thị trường mới nổi khác.
Đầu năm nay, khi cho rằng Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chứ không phải xung đột ở biên giới, Amaryan đã hạ đòn bẩy vốn được dùng để đầu tư cổ phiếu, tăng lương tiền mặt của công ty lên 15-17% và giảm bớt tỷ trọng nắm giữ trong các công ty Nga và phương Tây. Balchug đã sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ đồng rúp và mua cổ phần trong công ty khai thác các mỏ than chất lượng cao hoạt động ở Nga nhưng bán than cho Trung Quốc với USD.
Song, một người bạn của Amaryan đã đánh thức ông vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/4 và ông chứng kiến mọi thứ đã không như dự đoán. Việc ông Putin mở chiến dịch quân sự là "một cú sốc" và từ thời điểm đó, Amaryan biết rằng đây sẽ là một giai đoạn khó khăn.
Suy nghĩ đầu tiên của ông là làm thế nào để bảo vệ công ty và khách hàng của mình, đến từ khắp Nga, Anh, EU và UAE khi các lệnh trừng phạt được áp đặt. Ông đã chuyển thêm tiền trong công ty của mình đến các ngân hàng phương Tây bên ngoài Nga. 1 ngày sau đó, ông bắt đầu mua lại.
Amaryan cho biết, ông không thể tin rằng các công ty bluechip của Nga sẽ phá sản dù cổ phiếu đang lao dốc thảm hại. Ông cũng hỏi khách hàng để đảm bảo họ không e ngại về thương vụ này. Ông nói về việc sự sụt giảm nghiêm trọng của các cổ phiếu lớn của Nga trên các sàn nước ngoài: "Các công ty dầu mỏ và ngân hàng lớn nhất không thể có giá trị vài trăm nghìn USD."
Amaryan cho biết ông rất lạc quan. Ông nói với khách hàng và nhân viên: "Trên thế giới này, ngay cả những điều tồi tệ nhất cũng đi đến kết thúc." Ngoài ra, cho đến nay ông vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào về việc rút lại khoản đầu tư.
Trong khi chờ đợi thị trường hồi phục, Amaryan đang cân nhắc về các công ty công nghệ của Mỹ và châu Âu, đồng thời tìm kiếm cơ hội từ thị trường Trung Quốc. Ông dự đoán, sự khó khăn ở Nga sẽ kéo dài trong khoảng 6-12 tháng tới. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng mua thêm tài sản ở Nga với mức giá phù hợp.
Khi thị trường lao dốc vào cuối tháng 3, Amaryan đã "khựng lại" để chờ đợi nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Ông cho biết, mức giá cần giảm ít nhất 20-30% trước khi ông có ý định mua thêm với giả định tình hình ở Ukraine không tồi tệ hơn nữa.
Về dài hạn, ông cho rằng mối quan hệ của Nga với Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt những căng thẳng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo ông, dầu, khí đốt, lúa mì, ngũ cốc, niken, palladium và phân bón là những mặt hàng củng cố vị thế của Nga với vai trò là đối tác thương mại quan trọng.
Tham khảo WSJ