Chiều 30/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ bàn vấn đề về an sinh xã hội cho người dân vào ngày 1/4.
Theo Thủ tướng, đối với người thu nhập quá thấp, tinh thần là ngân sách Trung ương và địa phương sẽ cố gắng hỗ trợ. Mức và đối tượng cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung chuẩn bị quyết sách cho vấn đề này.
Trước đó, theo số liệu của TPHCM, khoảng 600.000 người lao động tại thành phố đã mất việc và không có thu nhập vì dịch bệnh Covid-19. Do đó, thành phố sẽ trích một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức để hỗ trợ họ. Năm 2019, số tiền thu nhập tăng thêm cho 130.000 cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM là khoảng 7.200 tỷ đồng.
Không chỉ ở TPHCM mà người lao động ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, giao thông vận tải đã phải tạm dừng, kéo theo đó là nhiều người lao động tạm thời không có việc làm.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã kích hoạt chế độ "ngủ đông", tạm thời dừng hoạt động để chờ đợi dịch bệnh qua đi sẽ hoạt động trở lại. Có những doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, nhưng cũng có những doanh nghiệp cố gắng giữ người lao động ở lại bằng cách giảm giờ làm, chuyển sang làm luân phiên, duy trì lương tối thiểu...
Trên thế giới, một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, 70% trong tổng số hơn 20 triệu hộ gia đình trên cả nước, tức khoảng 14 triệu hộ, tương đương hơn 36 triệu dân, sẽ được hưởng hỗ trợ khẩn cấp. Các hộ gia đình 4 thành viên có thu nhập một tháng dưới 7,12 triệu won (5.807 USD) sẽ được hưởng hỗ trợ tối đa 1 triệu won (816 USD) từ Chính phủ.