Tổng thống Donald Trump ngày 30/5 thông báo trên Twitter rằng Mỹ sẽ áp thuế 5% với toàn bộ hàng hóa Mexico nhập khẩu từ ngày 10/6. Thuế này sẽ tăng đều đặn thêm 5% vào mỗi đầu tháng cho đến khi đạt 25% vào ngày 1/10 nếu Mexico không giải quyết vấn đề nhập cư trái phép tại biên giới hai nước.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney bày tỏ hy vọng không cần thiết phải dùng đến thuế. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ lời đe dọa của ông không phải không để làm gì.
Mỹ năm 2018 nhập khẩu 371,9 tỷ USD hàng hóa từ Mexico. Dựa theo số liệu trên, tiền thuế sẽ có thể rơi vào người tiêu dùng Mỹ sẽ tăng từ 18,6 tỷ USD lên gần 93 tỷ USD.
Nếu Mexico chọn đáp trả bằng thuế 5% với hàng hóa Mỹ và tăng dần như Nhà Trắng, người tiêu dùng Mexico có thể phải tốn thêm từ 15 tỷ USD cho đến 74,8 tỷ USD. Mexico năm ngoái nhập khẩu 299,1 tỷ USD hàng hóa Mỹ, tương đương 47% tổng nhập khẩu của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images.
Cái giá trên thực tế
Những con số trên, có thể đo lường được, chưa phải tất cả ảnh hưởng từ việc Trump áp thuế với hàng hóa Mexico. Ngành công nghiệp ôtô, với các bộ phận được vận chuyển qua lại biên giới nhiều lần, sẽ khiến tác động còn nặng nề hơn nữa.
“Quy trình sản xuất sẽ thay đổi để giảm ảnh hưởng từ thuế, giảm năng suất đáng kể”, Carlos Capistran, nhà kinh tế chuyên về Mexico và Canada tại Bank of America Merrill Lynch, nói. “Hệ quả, nhiều công ty đang sản xuất tại Mexico sẽ chuyển nhà máy về Mỹ, tác động vào tăng trưởng ở Mexico”.
Trên thực tế, phương tiện là mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Mexico, tổng giá trị 93 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là máy móc điện (64 tỷ USD), máy móc (63 tỷ USD), khoáng nguyên liệu (16 tỷ USD) và dụng cụ y tế (15 tỷ USD), theo văn phòng đại diện thương mại Mỹ.
Về xuất khẩu, nhiều nhất là máy móc (46 tỷ USD), tiếp đó là máy móc điện (43 tỷ USD), khoáng nguyên liệu (34 tỷ USD), phương tiện (22 tỷ USD) và nhựa (18 tỷ USD).
“Tại Mexico, thuế của Mỹ cao hơn đồng nghĩa tăng trưởng sẽ giảm, peso mất giá. Peso mất giá phần nào lại giúp giảm ảnh hưởng từ thuế. Giá hàng hóa sẽ tăng, đặc biệt là nếu Mexico đáp trả”, theo Capistran.
Vốn hóa thị trường giảm
Phố Wall đã giảm điểm trong cuộc chiến thuế quan toàn cầu, mất hơn 1% trong phiên 31/5, do nhà đầu tư lo ngại về những ảnh hưởng trong dài hạn.
“Những loại thuế cứ tăng lên sẽ là mớ hỗn độn thực sự”, theo Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group. “Trong khi đó, doanh nghiệp lại có lý do khiến họ phải ngồi im trước khi ra bất kỳ quyết định lớn nào”.
Cộng dồn lại, tình hình có thể tác động đến Fed.
Các quan chức Fed từng nhiều lần khẳng định họ hài lòng với chính sách hiện tại và sẽ không thay đổi, ít nhất là hết năm 2019. Tuy nhiên, phó chủ tịch Fed Richard Clarida ngày 30/5 lại liệt kê ra các trường hợp Fed sẽ cân nhắc giảm lãi suất, đặc biệt là liên quan đến “các diễn biến tài chính, kinh tế toàn cầu”.
Thị trường giờ đây trông chờ Fed giảm lãi suất vào tháng 9 và 12.
“Sự bất ổn này tạo ra vấn đề rất khó khăn cho Fed và các ngân hàng trung ương khác”, Krishna Guha, trưởng bộ phận chính sách và chiến lược ngân hàng trung ương toàn cầu tại Evercore ISI, nói.
Theo Guha, bình luận của phó chủ tịch Clarida xuất hiện trong bối cảnh “thương mại dường như là yếu tố làm rủi ro suy giảm gia tăng”.
“Xu hướng tạm hoãn quyết định đầu tư sẽ ảnh hưởng, giúp giảm lãi suất ngắn hạn. Nhưng khó có thể nói trước chính sách lãi suất phù hợp trong tháng 4 có còn hiệu quả khi những bất ổn liên quan thương mại gia tăng hay không”, Guha cho biết.
Số liệu kinh tế tích cực không giúp cải thiện thị trường, do không rõ ông Trump sẽ mạnh tay đến đâu. Deutsche Bank ước tính cuộc chiến thương mại đã khiến Phố Wall mất 5.000 tỷ USD.
“Áp thuế hàng hóa Mexico là điều khá bất ngờ do chúng ta vẫn nghe những thông tin tích cực về quan hệ với Mexico và Canada”, Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cấp cao tại LPL Financial, nhận định. “Câu hỏi lớn là liệu chúng ta có đủ sức ứng phó hai cuộc chiến thương mại cùng lúc?”.