Theo khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam, bình quân mỗi 1 người dành ra tới 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng. Đồng thời, người tiêu dùng Việt cũng lọt top 11 thế giới về mua hàng online.
3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook, Shopee và TikTok. Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với hơn 50.000 nhà bán. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.
Hôm nay (12/12) là một trong những ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm. Trong ngày đôi năm nay, các sàn thương mại điện tử liên tục đưa ra loạt khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng.
Người tiêu dùng Việt xếp thứ 11 thế giới về mua hàng online. Ảnh minh họa.
Có một thực tế đó là với sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử , logistics, hàng nhập khẩu… khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Giới chuyên gia nhận định, không có một công thức chung cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khi bán hàng ra thế giới. Vấn đề cần phải bảo đảm đó là kiểm soát chất lượng các đơn hàng. Đây là thế mạnh và cơ hội cho hàng Việt.
Theo đó, thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh, ví dụ với nông sản là các sản phẩm OCOP. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để tăng sự cuốn hút, nhiều đơn vị tận dụng sức mạnh của KOL và KOC - những người có tầm ảnh hưởng. Thực tế, KOL và KOC đã trở nên phổ biến từ khoảng năm 2019 - 2020, khi trào lưu review lan rộng khắp các nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh mua sắm online ngày càng phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, sự xuất hiện của các KOL, KOC trên livestream đã mang đến "làn gió mới", tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng; tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Khác với hình ảnh sản phẩm được chỉnh sửa kỹ lưỡng trên website hay app bán hàng, các phiên livestream mang đến trải nghiệm chân thực, giúp người xem cảm nhận rõ về sản phẩm, từ chất liệu, kiểu dáng đến màu sắc, bởi thế đã có rất nhiều người mua hàng.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, KOL, KOC có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Giới chuyên gia đánh giá, mạng xã hội và thương mại điện tử đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu và cần được công nhận.