Nhà vườn Sa Đéc bất an
Tác động của cơn bão số 16 làm nhiều nhà vườn ở Cần Thơ, Sa Đéc, Đồng Tháp, Bến Tre… bất an! Ông Nguyễn Văn Bảy và những người hàng xóm ở làng hoa Bà Bộ (Cần Thơ) cực nhọc chăm sóc gần 6.000 chậu hoa cúc mâm xôi, cúc đại đoá, vạn thọ, ly ly, cát tường... Lặt những cành cây hoa cúc bị vàng lá, ông Bảy than thở: “Phải bỏ 60 cây cúc đại đoá vì thúi rễ, vàng lá mà không thuốc nào trị được”.
“Mấy năm nay thời tiết thất thường nên chi phí cao, từ phân rơm, chậu, tới cây giống đều tăng giá, nên chắc không có lời nhiều”, ông Út Bền nói về hoa tết. Bà Huỳnh Kim Phượng (làng hoa Phó Thọ, Bình Thuỷ, Cần Thơ) có 3.000 cây vạn thọ chuẩn bị vô chậu. “Nhưng nếu thời tiết bất lợi kéo dài, chưa biết có nên vô chậu hay không?”, bà Phượng thở dài…
Ông Bảy ở làng hoa Bà Bộ đang buồn vì thời tiết làm hoa cúc bị vàng lá.
Ông Minh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) chuyên trồng hoa kiểng, cây công trình…, nghe tin có bão sắp đổ vào Bến Tre, đứng ngồi không yên. Ông than: “Thời tiết lạnh nóng đột ngột kèm theo những trận mưa đêm, các loại nấm do vi khuẩn gây bệnh thán thư, đốm lá... dễ xuất hiện”. Ông Ba Nhàn (làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp) cũng cùng tâm trạng. Ông cho biết, 4.000 chậu hoa (cúc, cát tường, hoa hồng) đang xanh tốt thì nay 50% đang bị bệnh; 2.000 chậu cúc tiger và cúc mâm xôi có hiện tượng cháy lá, khó nở đúng vào dịp tết; còn hoa hồng bắt đầu còi cọc.
Sa Đéc có trên 510ha trồng hoa kiểng, 2.300 hộ chuyên sống với nghề trồng hoa ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông, dự kiến dịp tết Mậu Tuất 2018 sẽ bán ra thị trường hơn 2 triệu giỏ hoa ra thị trường, nhưng nay không như dự kiến. Ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha (Tân Mỹ, Tân Quy Đông, Sa Đéc) mua cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, hoa phú quý cấy mô từ trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp, nên có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh. Với 30 năm trồng hoa, mỗi năm bán ra 8.000 – 12.000 chậu hoa, ông Kha nắm vững kỹ thuật và biết đầu tư hệ thống tưới, lưới che cho hoa nhưng theo vị lão nông này, “thời tiết kiểu này có khi trắng tay”!
Trồng mai dễ thở
Các chủ vườn mai ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM), An Nhơn (Bình Định) cho biết, khoảng một tháng nữa sẽ lặt lá, gỡ khung uốn thế cây… để hoa kịp nở đúng dịp tết. Ông Năm Ấn, một chủ vườn mai tại Hiệp Bình Chánh, nói: “Những năm nhuận, các nhà vườn thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chế độ dưỡng cây cho ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán. Triều cường, mưa trái mùa hay sương muối vào thời điểm trước khi hoa nở, có thể làm hỏng cả một vụ mai”. Dù chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão trong tháng 10 và 11, nhưng những nhà vườn trồng mai bonsai ở thị xã An Nhơn (Bình Định) không quá lo lắng vì mai không bị ảnh hưởng. Ông Dương Phụng (An Nhơn, Bình Định) cho biết, nhiều người tung tin thất thiệt làm mai ở đây bị mất giá, còn thực tế, mọi chuyện vẫn ổn. Theo lời ông Phụng, nhiều vườn mai ở đây, ít là 200 chậu, còn nhiều 500 chậu đang chuẩn bị thuê xe để vào Sài Gòn, ra Hà Nội, một số ít dừng ở Đà Nẵng, Pleiku…
Mai bonsai An Nhơn, mai giảo Thủ Đức… là những loại mai bán chạy vào dịp tết Nguyên đán nhưng theo nhiều chủ vườn, lượng hàng mỗi năm về sau ít dần vì cực và không còn đất để trồng mai! Theo lời ông Ấn, nhiều người thích mai Thủ Đức, vì đây là giống mai giảo có 12 cánh, đan thành hai tầng, cánh hoa dày, màu vàng rực, có mùi thơm nhẹ khi nở, lâu tàn… “Nhưng giờ đây, càng về sau, mai giảo Thủ Đức ít hàng, vì không còn đất để trồng. Nhiều vườn mai đã thành đất ở”, một chủ vườn mai nói. Ông Cường, chủ vườn mai tại Hiệp Bình Phướ,c cho biết thêm, nhiều chủ vườn mai lớn ở Thủ Đức và quận 12 về Bình Chánh, Củ Chi… thuê đất để gầy dựng lại vườn mai, song đều không ưng ý về chất lượng hoa do khác biệt về thổ nhưỡng.
Vì thuộc loại hàng hiếm, không ít chủ vườn chỉ cho thuê trong dịp tết với mức giá từ 10 – 20 triệu đồng/cây để chưng mấy ngày tết, sau tết tiếp tục dưỡng cho những năm sau thuê tiếp. Những ngày gần tết, mai cây (đào nguyên gốc) được bày bán nhiều tại các tuyến đường như: Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13… Người bán cứ phang đại: đây là mai Thủ Đức. Còn giới trồng mai ở đây nói rằng, những gốc mai đó được đưa từ Phú Yên, Bến Tre, Tiền Giang về.
Cúc Ninh Hoà – hư 30%
Tác động của cơn bão số 16 làm nhiều nhà vườn ở Cần Thơ, Sa Đéc, Đồng Tháp, Bến Tre… bất an! |
Ông Trần Dũ, chủ tịch Mặt trận xã Ninh Giang (Ninh Hoà, Khánh Hoà) nhận xét về vùng hoa cúc đại đoá Ninh Giang năm nay như vậy. Trồng cúc đại đoá ở Ninh Giang theo trình tự: tháng 6 ươm hạt giống, tháng 8 vô chậu, tháng 10 cắm cây, đầu tháng chạp chọn nụ: đẹp để lại, nụ xấu cắt bỏ. Theo ông Dũ, với 150.000 đồng chậu cúc đại đoá, nếu được giá: 200.000 đồng/ chậu, người dân làng hoa Ninh Giang sống “vui vẻ” với nguồn thu nhập từ trồng hoa tết. Nhưng năm nay, cơn bão số 12 bất ngờ ập vào Khánh Hoà, dù có che chắn cẩn thận, thậm chí một số nhà có cả lưới che nhưng mưa nhiều và lớn, lại thiếu điện trong mười ngày đã làm hư khoảng 30%. Bà Sự, một chủ vườn hoa cúc ở thôn Phú Thứ, Ninh Giang, cho biết năm nay mưa nhiều nên bông không đẹp. Theo bà Sự, hiện giá cúc đại đoá dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/ chậu, tuỳ theo mức độ cao thấp của cây.
Nhiều bạn hàng từ Tuy Hoà, Quy Nhơn, Cam Ranh… đã tới làng hoa cúc Ninh Giang để đặt cọc. Khoảng 20 tháng chạp, cúc Ninh Giang sẽ lên đường vào Sài Gòn. Còn khách hàng bán gần, như Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuột…, chiều 24 tháng chạp mới lấy hàng. Còn từ bây giờ đến khi giao hoa cho thương lái, nhiều chủ vườn cúc Ninh Giang cũng đứng ngồi không yên. Năm nay ông trời thích trở chứng!