Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là kỳ nghỉ dài đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi chính sách phòng chống dịch Covid-19 của nước này được gỡ bỏ.
Theo số liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố, trong 7 ngày nghỉ tết (từ ngày 21- 27/1), các chuyến du lịch trong nước đạt khoảng 308 triệu lượt, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 375, 843 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 56 tỷ USD), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022, phục hồi 73,1% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra. Theo số liệu của Ctrip, tổng số đơn đặt hàng du lịch nước ngoài của khách du lịch Trung Quốc trong dịp tết đã tăng 640% so với cùng kỳ năm 2022.
Một gia đình du xuân tại thành phố cảng Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Số liệu từ nền tảng Fliggy cho thấy, 3 địa điểm du lịch nội địa nổi tiếng nhất tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán là Thành Đô, Thượng Hải và Quảng Châu. Lượng khách tại nhiều địa điểm du lịch phía Nam Trung Quốc cũng tăng mạnh mẽ.
Doanh thu của các sản phẩm dành cho kỳ nghỉ Tết ở Vân Nam đã tăng hơn 14 lần, số lượng đơn đặt hàng cho kỳ nghỉ Tết tại Hải Nam tăng 24% và số lượng vé máy bay đến Hồng Kông tăng hơn 22 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số lượng đơn đặt phòng trên nền tảng này tăng hơn 260% so với cùng kỳ năm 2022 và Đại Lý, Lệ Giang, Hạ Môn, Tam Á và Bắc Hải đã trở thành những thành phố phổ biến nhất để khách đặt phòng đi du lịch.
Bên cạnh thị trường du lịch, thị trường điện ảnh cũng “bùng nổ” mạnh. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc, với doanh thu phòng vé đạt 6,76 tỷ Nhân dân tệ, tổng số người xem phim lên đến 129 triệu lượt người, vượt qua doanh thu 6,04 tỷ Nhân dân tệ của kỳ nghỉ Tết năm 2022. Tổng doanh thu phòng vé trong tháng 1 tại Trung Quốc đại lục đã tăng khoảng 8,1 tỷ Nhân dân tệ, tạo kỷ lục phòng vé cao nhất trên thị trường toàn cầu trong tháng 1/2023.
Theo thông tin từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, số liệu hóa đơn thuế giá trị gia tăng của Tổng cục thuế ngày 28/1 cho thấy trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, doanh thu bán hàng của các ngành liên quan tiêu dùng trên toàn Trung Quốc đã tăng 12,2% so với kỳ nghỉ Tết năm 2022.
Báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2023” của Liên Hợp quốc được công báo vào ngày 25/1 đã dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng tốc và sẽ đạt 4,8% trong năm nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và các khu vực lân cận, đặc biệt là Trung Quốc và ASEAN đang ngày càng gần gũi hơn. Năm 2023, với chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước và phục hồi tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, thương mại của khu vực và nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành “đầu tàu” của kinh tế thế giới.