Sau khi hồi phục trở lại từ đợt bán tháo tồi tệ tháng trước, thị trường chứng khoán Mỹ đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, theo Alan B. Lancz.
“45 ngày tới có thể trở thành giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử thị trường tài chính Mỹ”, vị chuyên gia quản lý tiền tệ viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư ngày hôm qua. “Mặc dù trung bình thì chúng ta đối mặt với thị trường con gấu 10 năm 1 lần, nhưng lần này không giống những lần trước”, ông viết.
Nhà quản lý tiền tệ được biết đến là học trò của nhà đầu tư nổi tiếng Sir John Templeton và là nhà sáng lập của công ty tư vấn đầu tư Toledo cho rằng thời điểm và cách thức tái khởi động nền kinh tế Mỹ sau thời gian “ngủ đông” sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thị trường sẽ hồi phục ra sao sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Để ngăn chặn dịch bệnh đã khiến hơn 2 triệu người trên toàn thế giới mắc phải và cướp đi mạng sáng của 137.000 người, phần lớn các hoạt động của nền kinh tế Mỹ đã phải ngừng lại.
Theo ông, kể cả nếu quá trình hồi sinh kinh tế Mỹ được triển khai không đúng hướng và mắc nhiều sai lầm, kết quả vẫn sẽ là 1 cú hồi phục theo hình chữ U, tức là sự hồi phục hoạt động kinh doanh và tiêu dùng sẽ chỉ diễn ra chậm chạp, mất một thời gian dài.
“Dù được nhắc đến nhiều nhưng sự hồi phục theo hình chữ V giờ không còn phù hợp vì cuộc khủng hoảng này là sự kết hợp chưa từng thấy của quá nhiều yếu tố tiêu cực”, khiến hi vọng về sự hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ không còn nữa.
Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donnald Trump đang nóng lòng muốn tái khởi động nền kinh tế sau khi một loạt báo cáo cho thấy những thiệt hại to lớn mà dịch bệnh gây ra cho các doanh nghiệp Mỹ từ nhỏ đến lớn.
Hoạt động kinh doanh ở khu vực New York đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ -21,5 điểm trong tháng 3 xuống -78,2 điểm trong tháng 4. Sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng giảm 5,4% trong tháng 3, mạnh nhất kể từ đầu năm 1946, và doanh số bán lẻ tháng 3 cũng sụt giảm kỷ lục 5,4%, trong khi niềm tin của các công ty xây dựng rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2012.
Tuần trước ông Trump nói ông thích nền kinh tế mở cửa trở lại vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp hối thúc Tổng thống rằng trước khi làm điều đó cần phải tăng cường xét nghiệm.
Kết thúc phiên hôm qua (15/4), các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với đáy của thị trường con gấu lần này. So với 23/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn tăng 23,88%, S&P 500 tăng 22% và Nasdaq tăng 21,68%, nhờ gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ mà chính phủ Mỹ tung ra để giải cứu nền kinh tế.
Năm 2007, Lancz đã khuyên nhà đầu tư bán ra ngay trước khi thị trường lao dốc, và năm 1987 ông đã sáng suốt tránh được cú sụp đổ của thị trường, khi chỉ số Dow mất 22% chỉ trong 1 phiên giao dịch.
Lần này, ông khuyên nhà đầu tư nên thận trọng vì cuộc khủng hoảng này không giống bất kỳ khủng hoảng nào mà ông đã từng trải qua. “Không may là lần này có cả ba phần của những cơn bán tháo trước đây. Đại dịch không chỉ đe dọa Mỹ mà còn có thể khiến Mỹ không còn là cường quốc kinh tế số 1 thế giới”.
Tuy nhiên, Lancz vẫn nhìn thấy cơ hội ở những cổ phiếu như Amazon, UPS, Merck, Cisco và Abbott Abbott Laboratories.