Đại lý báo doanh số kỷ lục...
Trong ngày đầu bán ra iPhone 13 series, hệ thống FPT Shop cho biết đã bán ra gần 5.000 máy, thu về gần 200 tỷ đồng, phá vỡ kỷ lục trong tất cả các kỳ mở bán trước đây. Trước đó, đơn vị này thông báo tổng lượng đặt hàng đạt gần 40.000 máy trong khi với iPhone 12 năm ngoái, lượng đặt hàng chỉ đạt mức 20.000 máy. Doanh số trong ngày mở bán của hệ thống này vào năm ngoái là 4.500 máy, thu khoảng 150 tỷ đòng.
Không công bố doanh số mở bán nhưng hệ thống Thế Giới Di Động ghi nhận lượng đơn đặt hàng ở mức 43.000, trong đó khách cọc tiền lên đến 34.000.
Tại một số hệ thống bán lẻ khác, doanh số mở bán iPhone 13 đều khởi sắc. CellphoneS cho biết giao gần 3.000 máy trong ngày 22/10, đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Shopdunk thông báo nhận lượng đặt hàng lên đến hơn 15.000 máy, cao gấp 3 lần năm ngoái.
Cả chục nghìn chiếc iPhone 13 đã được giao cho khách hàng tại Việt Nam trong ngày đầu mở bán sản phẩm.
Trong ngày mở bán, hầu hết đại lý đều thông báo cháy hàng cho iPhone 13. Thậm chí nhiều khách hàng đã đặt trước sản phẩm nhưng vẫn chưa thể nhận máy, phải đợi đến đợt sau.
Những con số khổng lồ kể trên cho thấy một thực tế, doanh số iPhone 13 chính hãng thực sự bùng nổ so với nhiều thế hệ iPhone trước đây. Tuy nhiên, doanh số máy chính hãng tăng mạnh chưa chắc đồng nghĩa với việc iPhone 13 "hot" hơn các thế hệ trước.
...nhưng dung lượng thị trường không tăng
Không có thống kê chính thức nhưng khi được hỏi, nhiều đại lý bán lẻ khẳng định dung lượng thị trường iPhone trong đợt mở bán năm nay chỉ tương đương với năm ngoái. "Số báo ra tại các đại lý quá cao, trong khi hàng về ít tạo cảm giác iPhone 13 đang rất hot nhưng thực tế không phải vậy. Tính tổng dung lượng thị trường, iPhone 13 không chênh lệch nhiều so với iPhone 12", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS cho biết.
Doanh số iPhone chính hãng tăng mạnh là bởi vì năm nay, lượng máy xách tay về nước quá ít. Theo ước tính của giới kinh doanh, lượng iPhone 13 xách tay bán ra trên thị trường trong mùa iPhone năm nay chỉ bằng 1/10 so với mọi năm.
Các năm trước đây, tỷ lệ iPhone chính hãng so với xách tay thường đạt mức cân bằng 50/50. Dịch bệnh Covid khiến iPhone xách tay khó về nước, giá bán cao, khiến người dùng chuyển hướng sang lựa chọn máy chính hãng. Phần doanh số tăng của iPhone 13 chính hãng về cơ bản chính là phần bù vào lượng iPhone xách tay không thể về nước trong năm nay.
Tuy nhiên dung lượng thị trường iPhone năm nay không tăng so với năm 2020.
Theo anh Tuấn, một người kinh doanh iPhone lâu năm tại Hà Nội, iPhone chính hãng năm nay cũng sở hữu hàng loạt lợi thế lớn so với hàng xách tay khiến người dùng dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn. Thứ nhất, máy về nước sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng, tức là ngay ở thời điểm iPhone xách tay về chưa lâu, giá còn chưa ổn định thì máy chính hãng đã rục rịch lên kệ.
Thứ 2, giá bán của iPhone 13 chính hãng năm nay khá tốt. Điều này đến từ nguyên nhân sâu xa là việc thị trường Việt Nam được coi trọng hơn, khiến các hệ thống có thể nhập hàng với chiết khấu tốt, từ đó hạ giá sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Đó cũng là lý do xuất hiện tình trạng mỗi đại lý chào bán iPhone 13 ở một mức giá khác nhau, phần nào tạo nên sự hỗn loạn nhưng ở đó, người dùng được hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi đó, máy xách tay do khó nhập về nên giá bị đẩy lên khá cao.
Trong mùa iPhone này, 2 lợi điểm lớn nhất của iPhone xách tay là về nước sớm, giá bán tốt đều gần như bị triệt tiêu. Kết hợp với việc lượng máy xách tay về quá ít, không khó hiểu khi người dùng "quay xe" chọn mua hàng chính hãng, dẫn đến tình trạng doanh số tăng vọt.
Giới kinh doanh iPhone tin rằng 2021 có thể là năm bước ngoặt khiến iPhone xách tay bị đá văng khỏi thị trường nhanh hơn. Thực tế, việc hàng xách tay bị dẹp bỏ là xu hướng tất yếu của thị trường và đã diễn ra trong vài năm qua. Tuy nhiên, Covid-19 có thể khiến xu hướng này diễn ra nhanh và mạnh hơn, giúp sớm thanh lọc thị trường.
iPhone 13 vẫn là di động cao cấp hot nhất thị trường
Dù không tăng nhưng chỉ riêng việc dung lượng thị trường của iPhone 13 tương đương với iPhone 12 đã là một sự thành công lớn. Nên nhớ, model này nhận khá nhiều chỉ trích khi không sở hữu nâng cấp nào thực sự sáng giá, trong khi thiết kế gần như giống hệt thế hệ cũ.
Theo truyền thống nâng cấp sản phẩm theo kiểu tik-tok của Apple (tức là sau mỗi 2 năm sẽ có một lần thay đổi lớn về thiết kế) thì iPhone 13 nằm trong giai đoạn "tok" - giai đoạn thường không đạt doanh số ấn tượng. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đây đã khác.
"Người dùng iPhone 12 đa phần sẽ không nâng cấp lên iPhone 13. Model này sẽ thu hút những khách hàng sở hữu iPhone 11, iPhone XS hoặc các thế hệ cũ hơn. Do đó, việc máy ít nâng cấp so với iPhone 12 không ảnh hưởng quá nhiều đến họ", ông Nguyễn Lạc Huy phân tích.
Cũng theo ông Huy, qua mỗi thế hệ iPhone, tập khách hàng của Apple lại dày lên, đồng nghĩa những nhu cầu nâng cấp của những người sở hữu iPhone đời cũ ngày càng tăng. Do đó, nếu Apple nâng cấp mạnh mẽ sản phẩm, thị trường sẽ lập tức sôi sục nhưng nếu họ chỉ tung các bản nâng cấp nhẹ, thị trường cũng không vì thế là bình lặng đi. "Mùa iPhone vẫn là giai đoạn đáng chờ đợi nhất trong năm, từ cả nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng", ông Huy kết luận.